Dự án nhằm hỗ trợ tăng cường an toàn sinh học tại khu vực Đông Nam Á. Ảnh minh hoạ: TTXVN/Vietnam+

Theo một thông cáo báo chí của EU, dự án này sẽ giúp các Chính phủ ứng phó tốt hơn với những căn bệnh lây nhiễm cao hoặc những sự kiện sinh học toàn cầu, chẳng hạn như các đại dịch.

Sự lây lan nhanh chóng trên toàn cầu của dịch bệnh COVID-19 cho thấy tầm quan trọng cấp bách của sự hợp tác hiệu quả xuyên biên giới và các hệ thống quản lý rủi ro an toàn sinh học hiệu quả, nhằm đối phó với những căn bệnh và dịch bệnh lây nhiễm cao.

Dự án kéo dài trong 3 năm sẽ làm việc với các Chính phủ trong khu vực về an toàn sinh học và quản lý rủi ro an toàn sinh học, tăng cường hợp tác xuyên biên giới và chia sẻ dữ liệu, xem xét các hướng dẫn và luật pháp quốc gia có liên quan, cũng như tăng cường sự thực thi.

“An toàn sinh học là cứu lấy mạng sống của con người, thật đáng tiếc trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 nhắc nhở chúng ta. Hợp tác quốc tế mạnh mẽ là cách để kiểm soát sự lây lan của các căn bệnh truyền nhiễm cao trong thế giới hiện đại. Do đó, EU mở rộng sự hỗ trợ và hợp tác kịp thời này với các quốc gia ở khu vực Đông Nam Á; vì thế, tất cả chúng ta sẽ chuẩn bị tốt hơn để đối phó với các mối đe dọa đối với an ninh sinh học”, Đại sứ EU tại Myanmar, ông Kristian Schmidt nhận định.

An toàn sinh học đề cập đến các quy trình kiểm soát tiếp cận và bảo mật để giảm nguy cơ truyền bệnh của các căn bệnh truyền nhiễm. Hơn nữa, nó đồng nghĩa với việc ngăn chặn sự sử dụng độc hại các mầm bệnh hoặc độc tố nguy hiểm đối với con người, vật nuôi hoặc cây trồng.

Hệ thống giám sát với khả năng phát hiện nhanh chóng, sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan y tế của con người và đối với động vật, đồng thời báo cáo hiệu quả cho các ngành quan trọng khác là những điều cần thiết để đảm bảo phản ứng nhanh chóng và hiệu quả.

Được biết, dự án “BIOSEC - Tăng cường an toàn sinh học ở Đông Nam Á” là một dự án thuộc Sáng kiến Giảm thiểu Rủi ro của Trung tâm Nghiên cứu Xuất sắc (CoE) về Hóa học, Sinh học, Phóng xạ và Hạt nhân (CBRN) thuộc EU. Trung tâm này hợp tác với 10 quốc gia ở khu vực Đông Nam Á và 51 quốc gia đối tác ở 7 khu vực khác nhằm giải quyết các rủi ro về hóa học, sinh học, phóng xạ, và hạt nhân.

Thanh Ngân (Lược dịch từ Mizzima)