Bà cụ bán vo vo giấy, lùng tung trong từng quán ăn mời khách mua hàng. Bảo: “Bọn trẻ bây chừ không biết mấy món đồ chơi ni. Nhiều cháu cứ hỏi mệ bán cái chi mà lạ ri? Hèn chi đồ chơi tui bán ngày càng vắng khách. Chỉ có những người lớn từng một thời gắn bó họ mới mua cho con cháu thôi”. “Tui vì gánh nặng áo cơm mới cuốc bộ khắp nơi trong thành phố đi bán chứ xưa chừ chỉ làm nghề ni, bỏ đi thì lấy chi mà ăn”? Bao người thợ làm nghề rơi rớt dần trên đường mưu sinh bởi nghiệp không đủ nuôi thân, nghề mất dần và vật cũng theo đó không còn.

Thế hệ 8X có lẽ là lớp người may mắn còn được chơi những món đồ chơi dân gian quen thuộc một thời song e thế hệ 9X trở về sau nữa sẽ chỉ còn nghe, thấy con bột, lùng tung, vo vo giấy qua phim, ảnh. Chẳng bao lâu nữa với tình trạng như hiện nay, những món đồ chơi ấy e chỉ còn trong tâm tưởng bởi chúng đang dần biến mất trong đời sống.

Ở Hà Nội, cuối tuần, dịp lễ cha mẹ cùng con cái thường đến Bảo tàng Dân tộc học để cùng làm, cùng chơi với các nghệ nhân. Ở Huế, nên chăng có một góc ở Bảo tàng văn hóa dành để trưng bày đồ chơi dân gian xứ Huế như một bộ phận trong tổng thể hàng thủ công truyền thống. Theo một nhà nghiên cứu, cách làm hiệu quả nhất chính là duy trì việc đưa văn hóa dân gian vào trường học. Trong các chương trình sinh hoạt, ngoại khóa nên lồng ghép với biểu diễn đồ chơi dân gian, mời các trường bạn đến tham quan, chia sẻ để trẻ tiếp cận và dần yêu thích.

Thời gian không chờ đợi nếu không có động thái lưu giữ kịp thời!

L. Tuệ