Với du lịch, ở một số địa phương, lượng khách trong các tháng đầu năm giảm 80 – 90%. Được đánh giá là một trong ít địa phương đang duy trì được nhưng lượng khách du lịch đến Huế trong tháng 2 giảm 21,4% so với cùng kỳ và dự kiến sẽ tiếp tục giảm sâu trong tháng 3/2020. Với ngành vận tải, dịch bệnh khiến lượng khách đi lại giảm mạnh, doanh thu các đơn vị kinh doanh sụt giảm từ 50-60% so với cùng kỳ.

Ngành dệt may, nơi có các doanh nghiệp lớn với hàng ngàn lao động, tình hình sản xuất kinh doanh dự báo tiếp tục khó khăn. Ngoài khó về thiếu hụt nguyên phụ liệu nhập từ Trung Quốc do ảnh hưởng dịch, cuối tuần qua, các quốc gia thành viên châu Âu (EU) đã thống nhất thông qua kế hoạch đóng cửa biên giới nhằm ngăn ngừa dịch bệnh. Các doanh nghiệp dệt may lớn của Huế hiện đang có các đơn hàng chính xuất sang EU dự báo sẽ gặp không ít khó khăn thời gian tới.

Việc thực hiện triệt để giải pháp hạn chế, đóng cửa các ngành dịch vụ như karaoke, mát-xa, điểm vui chơi giải trí...để phòng chống dịch sẽ tác động đến doanh thu, việc làm của một bộ phận lao động liên quan. Ngay như ngành nông nghiệp, các hoạt động sản xuất, kinh doanh, buôn bán nông sản, thủy sản (tôm, gà, vịt, cá...) ở Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang...đang gặp khó khăn.

Song song với quyết liệt phòng chống dịch, các giải pháp hỗ trợ, gỡ khó cho hoạt động sản xuất kinh doanh, cung ứng thị trường đang được lãnh đạo tỉnh chỉ đạo rốt ráo.

Ngày 20/3/2020, Chủ tịch UBND tỉnh có công văn giao các sở, ban ngành triển khai các giải pháp thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ nông sản, thủy sản; hỗ trợ người dân, doanh nghiệp kết nối tiêu thụ, trên tinh thần không để hàng tồn ứ. Tỉnh cũng vừa giao các đơn vị liên quan tiến hành khảo sát tình hình sản xuất kinh doanh bị ảnh hưởng dịch nhằm lắng nghe những khó khăn, đánh giá mức độ thiệt hại, kiến nghị, đề xuất từ doanh nghiệp, các hộ kinh doanh để có cơ chế, chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn kịp thời.

Trước tác động khó lường do diễn biến phức tạp từ dịch, để hạn chế thiệt hại, từng ngành, từng lĩnh vực, doanh nghiệp phải có giải pháp thích nghi; tái cơ cấu sản xuất, kinh doanh; chuyển dịch nguồn cung, thị trường...

Cùng với sự chủ động từ chính các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, sự đồng hành của tỉnh về chủ trương, giải pháp, chính sách sẽ là sự “tiếp sức”, tạo chỗ dựa giúp bình ổn nền kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội với quyết tâm thực hiện thành công hai mục tiêu: Khống chế dịch bệnh, ổn định sản xuất, kinh doanh đang đặt ra một cách cấp thiết.  

Nhật Nguyên