Nhà điêu khắc Nguyễn Văn Thọ hăng say sáng tác

Trưng bày tại triển lãm mỹ thuật thường niên của Hội Mỹ thuật diễn ra cuối năm 2019, tác phẩm “Bão” bằng composite của nhà điêu khắc Nguyễn Văn Thọ được đánh giá là một tác phẩm đẹp về ngôn ngữ nghệ thuật, bố cục và chất tạo hình. Khắc họa chính người mẹ của tác giả, bức tượng mang đến cho người xem cảm xúc đặc biệt khi thể hiện hình ảnh người mẹ tảo tần.

Sau những năm tháng vất vả mưu sinh nuôi đàn con khôn lớn, lưng mẹ đã còng, chân đã mỏi. Vẻ khắc khổ của mẹ được lột tả đậm nét trên khuôn mặt, qua từng nếp nhăn. Cuộc đời mẹ còn gắn liền với hình ảnh cây đèn bão, như tượng trưng cho những giông tố cuộc đời mà mẹ đã nếm trải, vượt qua và cũng là ánh sáng soi sáng cho cuộc đời của những đứa con. Tạo được ấn tượng sâu sắc với người thưởng lãm, tác phẩm được Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật tôn vinh là tác phẩm xuất sắc năm 2019.

Ngoài tác phẩm “Bão”, Nguyễn Văn Thọ sáng tác nhiều về hình tượng người phụ nữ. Không chú trọng thể hiện vẻ đẹp về hình dáng, người phụ nữ trong sáng tác của anh hiện lên với vẻ đẹp dung dị trong cuộc sống đời thường, với dáng vẻ khắc khổ, già nua. Đó là những người mẹ chịu thương chịu khó, vất vả, hy sinh vì gia đình.

Với tác phẩm về chủ đề này, Nguyễn Văn Thọ luôn chú trọng đặc tả đôi mắt sâu, khuôn mặt hằn lên những nếp nhăn, đôi tay gân guốc, gò má cao... Trong bức tượng được đặt tên là “Còng”, hình tượng người phụ nữ được thể hiện bán thân theo phong cách bán trừu tượng, đầy khắc khoải với giọt mồ hôi vất vả, với dòng nước mắt khổ đau. Với tác phẩm “Cơi”, người mẹ được tận hưởng giây phút thảnh thơi ăn trầu sau những lo toan.

Tác phẩm “Bão”

Nhà điêu khắc chia sẻ, hình tượng người phụ nữ luôn mang đến cho anh cảm xúc sâu lắng. Cũng bởi suốt thời thơ ấu đến khi trưởng thành, mẹ luôn yêu thương, che chở và hy sinh cho anh. Ký ức về tuổi thơ khó khăn của Thọ lúc nào cũng gắn với những năm tháng mẹ tần tảo buôn gánh bán bưng từng gánh cháo, mớ rau để nuôi con ăn học. Thế nên, không khó hiểu khi hình ảnh người phụ nữ trong tác phẩm của nhà điêu khắc Nguyễn Văn Thọ luôn hằn lên vẻ lam lũ, bươn chải, những điều anh muốn thể hiện về mẹ của mình.

Sáng tác theo phong cách hiện thực là chủ yếu, tác phẩm của Nguyễn Văn Thọ là những day dứt từ hiện thực cuộc sống, những điều dung dị của con người, như: thân phận con người, mưu sinh, môi trường, sự sống… Thể hiện cái đẹp của nghệ thuật điêu khắc cả về nội dung, bố cục và kỹ thuật, tác phẩm của Nguyễn Văn Thọ mang đến cho công chúng thưởng lãm những xúc cảm thẩm mỹ và người xem có thể cảm nhận trực diện nội dung và thông điệp tác giả muốn gửi gắm.

Với biểu cảm sâu sắc, một số tác phẩm của Nguyễn Văn Thọ lay động người xem khi chứa tải tinh thần nhân văn. Hình ảnh một đứa trẻ tật nguyền do nhiễm chất độc hóa học dioxin trong tác phẩm “Sự mất mát”, hay đứa trẻ đội thúng bánh mì mưu sinh trong “Nặng” khiến người xem khắc khoải trước những hình ảnh rất thật từ đời sống.

Nguyễn Văn Thọ đến với điêu khắc rất tình cờ. Tốt nghiệp trung học phổ thông, Thọ đăng ký thi vào y khoa để nối nghề của cha. Lúc đang ôn thi, Thọ tình cờ nhìn thấy bức tượng rất đẹp của một sinh viên Khoa Điêu khắc. Vốn có năng khiếu và yêu thích mỹ thuật từ nhỏ, bức tượng như đánh thức niềm đam mê trong Thọ và anh quyết định chuyển hướng thi vào Khoa Điêu khắc, Trường đại học Nghệ thuật – Đại học Huế. Tốt nghiệp ra trường, Nguyễn Văn Thọ được giữ lại làm giảng viên của Khoa Điêu khắc.

Gần 20 năm gắn bó với nghệ thuật điêu khắc, Nguyễn Văn Thọ tự mình tìm kiếm con đường riêng. Ngoài những chất liệu quen thuộc, như gỗ, đá và composite, Nguyễn Văn Thọ còn tìm tòi, thể nghiệm với các chất liệu, hình thức, kỹ thuật của ngôn ngữ điêu khắc. Anh vừa hoàn thành nghiên cứu khoa học sử dụng phế liệu trong tạo hình điêu khắc.

Miệt mài, hăng say và mong muốn cống hiến những tác phẩm có giá trị nghệ thuật, nhà điêu khắc Nguyễn Văn Thọ làm việc say mê. Ngoài sáng tác, anh còn làm các công trình tượng đài, trang trí phù điêu cho các đơn vị. Hiện nay, anh đang tạc tượng Bác Hồ cho các đồn biên phòng ở A Lưới. “Điêu khắc khó nên người nghệ sĩ ngoài kinh nghiệm, sự khéo léo cần có đam mê mới có thể kiên nhẫn theo đuổi; dồn tất cả tâm huyết, tập trung cao độ thì mới tạo ra tác phẩm đẹp. Nếu giỏi thật sự, người nghệ sĩ hoàn toàn có thể sống được bằng nghề. Ngành điêu khắc hiện đang thiếu nhân lực, sinh viên ra trường đều có việc làm, xã hội rất cần nhưng ít người theo học”. Nguyễn Văn Thọ bộc bạch.

Bài, ảnh: TRANG HIỀN