Giáo xứ Dương Sơn có 238 hộ, với 1.236 khẩu. Đa số người dân sống bằng nghề làm nông và buôn bán nhỏ lẻ. Dương Sơn có truyền thống khá đẹp là vào ngày 8 Tết Nguyên đán hàng năm, dân Dương Sơn từ khắp mọi miền Tổ quốc và hải ngoại đều tụ họp đông đủ để làm lễ tảo mộ đầu năm. Tại lễ tảo mộ này, con dân Dương Sơn  còn làm mâm cau trầu rượu thành kính dâng lên ông bà, tổ tiên để tưởng nhớ công ơn sinh thành, dưỡng dục. Truyền thống tốt đẹp này vẫn duy trì đều đặn đến nay và được đánh giá sự là kết hợp hài hòa giữa đạo với đời của giáo dân Dương Sơn.

Đường liên thôn từ UBND xã Hương Toàn dẫn vào thôn Dương Sơn rợp bóng cây xanh mát. Dương Sơn trước đây đường sá đi lại khó khăn, nằm giữa ruộng đồng, mỗi khi mưa lũ lại chia cắt. Từ sau khi Hội đồng giáo xứ Dương Sơn vận động được nhà hảo tâm cùng người dân đóng góp tiền của làm đường bằng bê tông, việc đi lại, giao thương buôn bán của người dân được dễ dàng. Dương Sơn bây giờ có cả chợ. Dù không lớn bằng chợ chính của xã, nhưng cũng đầy đủ các mặt hàng thực phẩm tươi sống, họp ngày hai buổi nên người dân luôn có thức ăn tươi trong ngày. Tiểu thương có thêm thu nhập từ việc buôn bán kinh doanh ở chợ.

Khu vực chợ ngay trước đường liên thôn vốn trước đây là hồ chết, do người dân thường đổ rác thải, thức ăn thừa, gia súc, gia cầm chết xuống hồ. Sau khi được Hội đồng Giáo xứ Dương Sơn vận động hỗ trợ đổ đất lấp hồ, nơi đây trở nên sạch sẽ, nhộn nhịp trở thành nơi mưu sinh của nhiều gia đình. Khi chợ cũ sập xệ, mái che đổ nát, giáo xứ còn hỗ trợ lợp lại mái tôn kiên cố, thoáng đãng, giúp việc mua bán của người dân thuận tiện hơn.
Dương Sơn cũng khá nổi tiếng với phong trào hiếu học. Rất nhiều con em trong vùng đi làm ăn xa, học hành đỗ đạt. Gia đình ông Phan Văn Tuấn ở ngay đầu ngõ, cạnh nhà thờ giáo xứ, có 3 người con đều đỗ đại học vào các trường có uy tín. Trong đó, em Phan Ngọc Tiến đỗ thủ khoa Trường đại học Bách khoa Đà Nẵng năm trước. Khi chúng tôi đến thăm gia đình, bố em cầm bằng khen sinh viên xuất sắc Khoa Kiến trúc năm thứ nhất khoe với tất cả niềm tự hào. Bác Phan Bôn, Chủ tịch Hội đồng Giáo xứ Dương Sơn cho hay: “Gia đình có con đỗ đại học như ông Tuấn ở đây rất nhiều. Hàng năm, giáo xứ tổ chức khen thưởng với số tiền cả tiền chục triệu đồng. Còn học sinh giỏi các cấp thì đếm không xuể”.
Song, điều tự hào nhất mà người Dương Sơn luôn muốn nhắc tới là tình làng nghĩa xóm, sống chan hòa, luôn tuân thủ pháp luật, không gây gổ ồn ào, không tội phạm và tệ nạn xã hội. Mọi người ở đây đều nhẹ nhàng, niềm nở, ngay cả khu vực chợ, thường là nơi ồn ào, phức tạp nhất, song người mua bán rất hiền hòa, thân thiện.
Kết quả đó chính là nhờ công tác dân vận khéo của Hội đồng Giáo xứ Dương Sơn, trong đó, vai trò của linh mục Nguyễn Văn Chánh rất quan trọng. Bác Phan Bôn chia sẻ: “Một vài gia đình giáo dân cũng có xích mích, cãi cọ, nhất là chuyện vợ chồng cơm chẳng lành canh chẳng ngọt. Khi có chuyện xảy ra, chúng tôi luôn tìm hiểu ngọn ngành để có cách xử lý phù hợp. Nếu lỗi ở người chồng thì giáo dục chồng. Nếu ngược lại thì giáo dục vợ. Khi có vấn đề khuất tất lớn hơn chúng tôi nhờ linh mục khuyên can. Khi có sự tham gia hòa giải của Hội đồng giáo xứ, linh mục, các vụ việc đều giải quyết thành công”.
Để hạn chế tội phạm, tệ nạn, Hội đồng Giáo xứ Dương Sơn cho hay, ở bất kỳ lứa tuổi nào cũng thành lập giới, như giới thanh niên, giới cha mẹ gia đình, giới lão ông… với các nội dung sinh hoạt định kỳ phù hợp. Qua sinh hoạt, các nội dung giáo dục được lồng ghép, nhất là lớp trẻ. Giáo xứ chú trọng giáo dục lớp trẻ từ khi còn là học sinh mẫu giáo đến khi trưởng thành. Nhờ thế, hạn chế tối đa tình trạng trộm cắp, rượu chè, tệ nạn xã hội nói chung…
Tâm Huệ