Dịch bệnh COVID-19 thời gian qua đã ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế, an sinh xã hội. Thống kê bước đầu cho thấy, có khoảng 19% doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động sản xuất hoặc thu hẹp quy mô, kéo theo hàng ngàn lao động bị ngừng việc. Dịch bệnh cũng làm hàng triệu người lao động giản đơn, thu nhập thấp và các đối tượng yếu thế gặp nhiều khó khăn..

Gói hỗ trợ lần này dự kiến là 62 ngàn tỷ đồng, hỗ trợ cho khoảng 20 triệu người bị ảnh hưởng, với  mức hỗ trợ từ 500.000 - 1.800.000 đồng/người/tháng. Đây là một trong những giải pháp nhằm chia sẻ khó khăn, bảo đảm cuộc sống của Nhân dân, người lao động, góp phần ổn định xã hội; tiếp đà để khôi phục sản xuất khi dịch bệnh được kiểm soát.

Nguyên tắc hỗ trợ cũng được xác định là hỗ trợ đối tượng bị giảm sâu thu nhập, mất, thiếu việc làm, gặp khó khăn, không đảm bảo mức sống tối thiểu; bảo đảm đúng đối tượng, công khai, minh bạch, không để lợi dụng, trục lợi chính sách…

Vấn đề đặt ra là làm sao đảm bảo được nguyên tắc đó, nhằm phát huy ý nghĩa cũng như tính nhân văn của Nghị quyết.

Dân tộc ta có truyền thống tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách, thể hiện rất rõ mỗi khi đồng bào bị lâm nguy do chiến tranh, thiên tai, dịch bệnh gây ra. Riêng trong trận đại dịch này đã xuất hiện nhiều nghĩa cử cao đẹp, nhằm giúp người nghèo, người yếu thế bớt phần khó khăn… Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn xuất hiện không ít hành vi phản cảm. Thực tế này cũng từng xảy ra tại những lần phát hàng cứu trợ do thiên tai, hay bồi thường sự cố môi trường biển năm 2016…

Tại cuộc họp giao ban trực tuyến mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ yêu cầu các sở ngành, địa phương triển khai thực hiện ngay để gói hỗ trợ an sinh xã hội này đến tay người dân một cách nhanh nhất, không để người dân nào bị thiếu đói; đồng thời, phải thực hiện rõ ràng, minh bạch, công khai, không bỏ sót đối tượng…

Để đạt được điều này đòi hỏi cán bộ cơ sở phải nắm vững nguyên tắc hỗ trợ của Nghị quyết, để giải thích cho người dân hiểu; tránh tình trạng kê khai quá thực tế, hỗ trợ sai đối tượng, rồi nảy sinh khiếu kiện hay có những dư luận không hay.

Điều quan trọng là phát huy tinh thần tương thân, tương ái trong mỗi người dân. Nguồn lực Nhà nước thì có hạn. Hộ gia đình nào tuy thu nhập có ảnh hưởng, nhưng mức độ không sâu hoặc có nguồn thu nhập ổn định khác thì thôi, nhường phần cho người khác. Các hộ được nhận hỗ trợ cần có kế hoạch chi tiêu hợp lý để đảm bảo sinh hoạt. Có như vậy, Nghị quyết 42/NQ-CP của Chính phủ mới thực sự phát huy hiệu quả cũng như ý nghĩa mà Nghị quyết mang lại.

Đặng Thành