Những từ mà khi chỉ cần nhắc đến thôi, đã thấy tuổi thơ hay những ngày yêu dấu đã qua bất chợt hiện về. Nhiều nhà văn hóa đã cảnh báo về cái chết của ngôn ngữ trong thời buổi kỹ thuật số. Tổng Giám đốc UNESCO Koïchiro Matsuura nói:”Cái chết của một ngôn ngữ dẫn tới sự biến mất của rất nhiều dạng văn hóa phi vật thể như các bài thơ và các câu chuyện cười”. Ở đây chỉ nhắc đến một từ thôi, chúng ta vẫn dùng, nhưng tần số xuất hiện đang ít dần đi, đó là từ “nương”.

Lại nói đến cái nghĩa ít dùng của từ này. Không phải từ “nương” trong nương nhờ, nương nhẹ, nương tay, nương sức...; cũng không phải từ “nương” trong: mỵ nương, cô nương, công nương, nương tử, sư nương… Nương ở đây chỉ mộc mạc đúng nghĩa trước tiên của nó: nương vườn, nương dâu…

Năm nào đó, nhạc sĩ Phạm Duy về Huế chơi và ca sĩ Đức Tuấn hát ở Đại học Sư phạm Huế một chương trình nhạc Phạm Duy rất hay, trong đó có bài “Nương chiều”: “Chiều ơi, lúc chiều về rợp bóng nương khoai, trâu bò về rục mõ xa xôi, ơi chiều”. Rồi sang điệp khúc hoan ca: “Thu về đồng lúa nương chiều, tay dân cày ngừng giữa làn gió, lúa ngát thơm trên những cánh nương…” Rồi da diết một nỗi nhớ dằng dặc:”Chiều ơi, biết chiều nào còn đứng trên nương, phố phường nhiều chiều vắng quê hương..”.

Nhạc Phạm Duy mang âm hưởng dân ca, giàu chất dân ca là cũng bởi ông dùng nhiều chữ như chữ “nương”. Hay nói cách khác, chất liệu dân gian của ông có một từ “nương” dân dã mà rất ít người dùng.

Nương vườn ở Huế, người ta lập ra để thư giãn là chính, cây trái trồng cũng chỉ cốt để cúng tế, cung cấp thực phẩm nuôi sống người dân một cuộc sống không quá bon chen, có rộng rãi thì đủ cho con cái ăn học nên người. Qua cốt cách đó, nương vườn, nhà cửa và người cậy nhờ nhau, lan tỏa trong nhau nét hài hòa dịu vợi. Ở quê gọi vườn là nương. Nương sau thường lớn hơn nương trước, trồng đủ thứ, nhưng bao giờ cũng có lũy tre che chắn sau cùng, chắn mùa gió bấc lạnh lùng, chắn nước nguồn đổ lùa vào khi “trời hành cơn lũ mỗi năm”...

Bởi vậy, việc cúng tế giỗ chạp cũng từ nương, cái ăn cái uống cũng từ nương, sách vở học hành cũng từ nương, và trai gái yêu nhau “đưa tay bứt ngọn rau ngò/ thương anh bắt chết giả đò mần ngơ” thì cũng là nương...

Nương còn là nơi cất giấu bao kỷ niệm tuổi thơ. Nhà thơ, chuyên gia ẩm thực Hồ Đắc Thiếu Anh kể: “Sau nương của mình ngày xưa mẹ trồng nhiều cây chuối lắm, là nơi mấy chị em hay chơi trốn tìm. Mẹ mình thương con đến mức, khi đốn buồng chuối, mẹ dặn người làm vườn cứ để mấy cây chuối đó lại, cứ để tàu lá chuối khô đó lại, cho tụi con nít chơi năm mười, chơi trốn tìm có cái mà núp. Chao ơi, lòng mẹ bao la, khởi nguyên cũng từ tàu lá chuối khô ở sau nương nhà”.

Lớn lên, khi mệt nhoài trên bao nẻo đường đời, mới thấm thía mấy chữ “bãi bể nương dâu”.

“Khóc vì nỗi thiết tha sự thế / Ai bày trò bãi bể nương dâu.”

(Nguyễn Gia Thiều, “Cung oán ngâm khúc )

Phải đến độ hoang hoải như thế, mới thấy da diết nao lòng cái hẹn hò của người xưa, bến cũ; cái hẹn của lòng tin, cái hẹn của niềm tin vào người, về người. Như một câu ca:

“Nong tằm ao cá nương dâu

Đò xa bến cũ nhớ câu hẹn hò”

Nghe mà nhớ “Nắng chiều” của Lê Trọng Nguyễn. Nay anh về nương dâu úa - giọng hát câu hò thôi hết đưa hình bóng yêu kiều kề hoa tím biết đâu mà tìm”.

Một chữ “nương” giờ đã ít người dùng. Nhắc lại một đôi dòng, để ai đó đôi khi nhớ một đêm trăng sáng có ai rửa chân bên chiếc cầu ao, sóng trăng khỏa sóng nước sáng cả nương, đến tận hàng chục năm sau vẫn sáng nhạt nhòa trong ký ức...