Biến đổi khí hậu gây ra nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan. Ảnh minh hoạ: AFP/TTXVN

Theo Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) của LHQ, đã đến lúc làm chậm lại hiện tượng biến đổi khí hậu, khi tác động của hiện tượng này đối với hành tinh đã "đạt đến đỉnh điểm" trong 5 năm qua, thời gian nóng nhất trong lịch sử được ghi nhận.

Xu hướng này được dự báo ​​sẽ tiếp diễn. Mức độ CO2 tại một trạm quan sát toàn cầu chủ chốt đã được ghi nhận ở mức cao hơn khoảng 26% so với năm 1970, trong khi nhiệt độ trung bình toàn cầu tăng 0,86 độ C trong thời gian nói trên. Nhiệt độ cũng ấm hơn 1,1 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp, WMO cho hay.

Đáng chú ý, cuộc khủng hoảng COVID-19 đang làm trầm trọng thêm các tác động kinh tế và xã hội của biến đổi khí hậu; chẳng hạn như, đại dịch khiến việc bảo đảm cho mọi người an toàn trước những cơn bão nhiệt đới trở nên khó khăn hơn.

Tổng thư ký WMO, ông Petteri Taalas khẳng định, thất bại trong việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu có thể đe dọa đến sự hạnh phúc của người dân, cũng như các hệ sinh thái và các nền kinh tế "trong nhiều thế kỷ" sắp tới. "Chúng ta cần thể hiện quyết tâm và sự đoàn kết tương tự để chống lại biến đổi khí hậu, như chống lại COVID-19", với những hành động không chỉ trong ngắn hạn "mà còn cho nhiều thế hệ phía trước", ông Petteri Taalas kêu gọi.

Bên cạnh đó, nhà hoạt động khí hậu Thụy Điển, bà Greta Thunberg cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải giải quyết "hai cuộc khủng hoảng cùng một lúc". Bà cho rằng, biến đổi khí hậu "là một mối đe dọa trực tiếp, ngay cả khi nó có thể không trực tiếp như COVID-19, hiện tượng này vẫn sẽ tác động đến chính chúng ta. Chúng ta cần giải quyết vấn đề này ngay bây giờ”.

LÊ THẢO

(Lược dịch từ Devdiscourse)