Các công dân trong Khu cách ly tập trung KTX Trường Bia dùng bữa cơm trưa cuối cùng trước khi rời khu cách ly trở về với gia đình

Cô gái trở về từ Lào nằm trong nhóm 171 công dân – nhóm cuối cùng (trong tổng số hơn 6.300 công dân) hoàn thành thời gian cách ly tại Khu cách ly tập trung KTX Trường Bia nói riêng và nhiều khu cách ly khác nói chung. Điều này đánh dấu một dấu mốc quan trọng: Toàn tỉnh không còn công dân nào phải cách ly tập trung do ảnh hưởng COVID-19.

Chiều 22/4 có lẽ là buổi chiều đặc biệt với Lan Khuê khi cô đại diện cho nhóm cách ly tặng hoa tri ân đến đội ngũ làm việc, phục vụ bên trong khu cách ly trước khi ra về. Những bông hoa ấy có lẽ khó nói hết những lời tự đáy lòng cô gái trẻ gửi đến những chiến sĩ quân đội, công an, nhân viên y tế... chăm lo từng bữa ăn, giấc ngủ bất kể ngày đêm trong suốt thời gian cách ly.

Lan Khuê chia sẻ, không riêng gì bản thân mà với bất kể mọi người, đặc biệt những người xa xứ ai cũng khắc cốt ghi tâm “Quê hương là chùm khế ngọt”. Nhưng vì nhu cầu mưu sinh nên đành phải xa quê hương, xa Tổ quốc để làm ăn nơi đất khách quê người. Rồi khi nghe tin dịch bệnh, mọi người phải quay về để đảm bảo sức khỏe cho bản thân và gia đình. Trước khi trở về nước, trong tâm trí Lan Khuê luôn lo nghĩ không biết mọi người có xa lánh, có coi những người trở về là những mầm bệnh, để rồi xua đuổi hay không.

“Nhưng thật bất ngờ, khi trở về quê hương, Tổ quốc đã dang rộng vòng tay để chào đón chúng tôi, như người mẹ ôm đứa con vào lòng sau bao ngày xa cách, chúng tôi thật sự cảm động”, Lan Khuê giọng chậm lại, bên dưới những công dân khác lắng đọng theo cảm xúc ấy.

Điều mà Lan Khuê và công dân sẽ không bao giờ quê trong thời gian cách ly tập trung đó là hành động phục vụ, lời động viên, hỏi thăm của cán bộ, chiến sĩ. Tất cả nhẹ nhàng, ấm ấp như sự che chở, âu yếm của người mẹ với đứa con thơ sau bao ngày xa cách. Nhờ thế, đã xua tan đi những hồi hộp, lo lắng để mọi người cảm nhận rằng du cách ly khoảng cách nhưng tình quân dân không bao giờ xa cách.

Các cán bộ chiến sĩ và bà con tình nguyện phục vụ tất bật ngày đêm chuẩn bị chu đáo từng bữa cơm, giấc ngủ, chăm lo đầy đủ sinh hoạt hàng ngày. Tất cả với mục đích cuối cùng để đồng bào được thoải mái nhất có thể trong thời gian cách ly.

Không thể không nhắc đến các y bác sĩ đã chăm chút từng biến đổi sức khỏe cho mọi công dân. Tất cả công dân được thăm khám, theo dõi sức khỏe 2 lần/ngày bằng sự tận tình hết sức có thể. Không dừng lại đó, dù ở trong khu cách ly họ vẫn được cập nhật thường xuyên tình hình dịch bệnh trên thế giới, trong nước cũng như trên địa bàn tỉnh.

Lan Khuê nói rằng: “Chúng tôi thật may mắn khi là người con của dân tộc Việt Nam, may mắn hơn những người con khác chưa kịp trở về trong vòng tay mẹ Tổ quốc khi các biên giới đóng cửa. Càng tự hào hơn khi nhìn ra các cường quốc hùng mạnh trên thế giới đã phải khổ sở chống lại đại dịch như thế nào. Tất cả đã khẳng định được chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước ta đối với công dân Việt Nam hết sức đúng đắn, mang tính nhân văn sâu sắc đến nhường nào”.

“Tổ quốc là nơi không bao giờ từ bỏ chúng ta – Lan Khuê khẳng định và tiếp lời - Trước lúc chia tay, tôi đại diện cho bà con nhân dân tại khu cách ly không biết nói gì hơn, tự tận đáy lòng chỉ biết nói hai chữ: Cảm ơn. Cảm ơn Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã không bao giờ bỏ những người con xa xứ như chúng tôi. Chúng tôi sẽ mãi không quên sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh, BCH Quân sự tỉnh, BCH Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh, các sở ban ngành, các cơ quan đoàn thể, cá nhân, tổ chức xã hội... luôn thăm hỏi, động viên. Đặc biệt, chúng tôi trân quý tình cảm, sự chăm sóc, phục vụ tận tình của cán bộ chiến sĩ ở khu cách ly tập trung KTX Trường Bia, đội ngũ y bác sĩ Trung tâm Y tế TP. Huế”.

Ngoài lời cảm ơn chân thành ấy, Lan Khuê và những công dân cuối cùng rời khỏi khu cách ly tập trung cho biết, khi trở về quê nhà sẽ không quên vận động người thân, hàng xóm, bạn bè chấp hành các quy định của Chính phủ, các khuyến cáo của Bộ Y tế về phòng chống dịch COVID-19, góp sức nhỏ bé của mình cùng chung tay cùng cả nước chiến thắng dịch bệnh.

Bài, ảnh: NHẬT MINH