7 trong số 19 tập đoàn, tổng công ty kể trên đã bắt đầu không cân đối được thu chi. Những con số trong một bài viết trên báo Đầu tư đã cho thấy, không còn là thấm đòn, ngay cả các doanh nghiệp tưởng như là có thể đứng vững nhất, cũng đã bắt đầu lao đao trước cơn bão CoVID-19 đang chi phối toàn cầu.

Khoảng 84,8% doanh nghiệp được khảo sát cho biết gặp khó khăn và tính đến giữa tháng 4, cả nước có gần 5 triệu lao động bị ảnh hưởng bởi COVID-19 là con số mà Tổng cục Thống kê đưa ra trong cuộc họp báo tại Hà Nội vào cuối tuần vừa qua. Trước đó, trong một bài viết của mình, ông Lee Chang-hee, Giám đốc Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam đã đưa ra những con số lớn gấp hàng trăm lần, trên bình diện toàn cầu. Đó là khi các biện pháp phong tỏa một phần hoặc toàn diện để ứng phó với SARS-CoV-2 đã ảnh hưởng đến 81% lực lượng lao động toàn cầu - con số này vào khoảng 2,7 tỷ người. Một báo cáo nhanh cũng từ ILO cho thấy, số giờ làm việc trên thế giới sẽ giảm 6,7% trong quý 2 này, tương đương 195 triệu người lao động làm việc toàn thời gian.

Đối với người lao động, những điều này mang đến nỗi lo sâu thẳm hơn, đau đớn hơn khi họ đã và đang phải đối diện với nguy cơ giảm lương, giảm giờ làm và thậm chí là mất việc. Thu nhập từ chỗ kém hơn, đến không còn và đó là một vòng xoáy trôn ốc trong tác động kép khi nó không dừng lại ở lao động trực tiếp, mà cả lực lượng lao động, dịch vụ khác trong cơ chế gián tiếp. Thế nên, cách mà ông Lee Chang-hee đặt vấn đề chính là điều cần phải nhìn nhận và giải quyết: ứng phó với SARS-CoV-2 không còn là một thử thách y tế nữa khi việc bảo vệ sức khỏe cộng đồng phải được đặt cùng với việc bảo vệ sinh kế của người dân. Không cứu được sinh kế của người dân, chúng ta sẽ thất bại trong việc bảo vệ tính mạng, sức khỏe của họ và ngược lại.

Đương nhiên đây là điều mà các quốc gia và vùng lãnh thổ bị virus corona xâm nhập đều mong muốn có thể đạt tới. Những biện pháp phản ứng nhanh, hay chần chừ xung quanh việc điều hành các hoạt động kinh tế - xã hội như thế nào đã phản ánh điều này. Có quốc gia/vùng lãnh thổ đã bị trả giá vì không có ngay những biện pháp mạnh mẽ ngay từ đầu. Nhưng đời sống của người dân (còn hơn cả thước đo của nền kinh tế) với những nguy cơ vỡ trận về an sinh xã hội, nhất là khi các nguồn ngân quỹ dự trữ của nhà nước cũng gần như kiệt quệ vì các giải pháp cứu vãn tình thế không thể trông chờ những giải pháp cực đoan.

Trong diễn tiến này, chọn cách nới lỏng có kiểm soát, từng bước cho các ngành, nghề hoạt động trở lại là một lựa chọn của Chính phủ Việt Nam được người dân đồng thuận. Vấn đề chỉ còn là ở chỗ, việc đối diện với các nguy cơ tiềm ẩn của SARS-CoV-2 như thế nào, có biện pháp phòng tránh ra sao phải được mỗi một người dân ý thức rõ ràng và coi trọng.

Bên cạnh các gói an sinh hỗ trợ cho người lao động bị ảnh hưởng và các gói hỗ trợ lãi suất, các chính sách, cơ chế giúp các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hộ gia đình… hoạt động trở lại, việc nới lỏng giãn cách xã hội đang từng bước mang lại nhịp sống bình thường. Đó là điều được mọi người mong ngóng và kỳ vọng với việc cụ thể hóa chính sách của Chính phủ, cũng như các biện pháp và sự năng động của từng địa phương trong từng bước đi và hành động cụ thể.

Minh Hà