Kiểm định viên đang kiểm định phương tiện ô tô gia đình

Hết công suất

"Xe hết hạn đăng kiểm lưu thông trên đường không yên tâm nên phải đến kiểm định", anh LVL, chủ xe con gia đình ở P. Thủy Phương, TX. Hương Thủy trao đổi với chúng tôi tại TTKĐ tỉnh sau thời gian giãn cách xã hội để phòng ngừa đại dịch COVID-19.

Những ngày này, tại TTĐK tỉnh, xe con, ô tô vận tải hàng hóa, hành khách... ra vào kiểm định khá đông; trong đó nhiều phương tiện phải chờ dưới thời tiết nắng nóng.

Mới đây, anh HVT, ở thị trấn Phú Đa (Phú Vang) mặc dù đã đăng ký đặt lịch hẹn nhưng khi đưa xe đến TTĐK tỉnh phải mất hơn 2 giờ mới đến lượt; lý do vì xe đông và phải tuân theo số thứ tự.

Theo ông Dương Phúc Thiện, Phó Giám đốc TTĐK tỉnh, so với thời điểm giãn cách xã hội, những ngày này, TTĐK đã phát huy tối đa công suất 2 dây chuyền tại cơ sở 1 (332 Điện Biên Phủ) và ở cơ sở 2 tại TX. Hương Trà để phục vụ khách hàng; bình quân 130-140 xe/ngày, tăng gấp đôi so với những ngày giãn cách xã hội. Đa phần xe đến kiểm định là taxi, vận tải hàng, hành khách... vì thời gian qua những phương tiện này tạm ngưng hoạt động trong thời điểm dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.

"Dù lượng xe đến đông, có lúc quá tải nhưng TTĐK tỉnh thực hiện đúng quy trình các bước, không bỏ sót các phương tiện không đạt chuẩn về hình dáng, thân vỏ; hệ thống truyền lực, phanh, lái và điện...", ông Thiện nói.

Để thuận lợi, TTĐK tạo điều kiện cho chủ phương tiện đăng ký kiểm định qua điện thoại, lấy số thứ tự; đồng thời triển khai lịch làm thêm giờ vào ngày thứ 7. Tuyệt đối không để chủ phương tiện đến kiểm định phải chờ qua đêm.

Cần đầu tư thêm 1-2 trung tâm   

Thừa Thiên Huế hiện có gần 650 đơn vị, DN, HTX với hơn 2.152 phương tiện vận tải hành khách, chưa kể gần chục hãng taxi với gần nghìn phương tiện đang hoạt động và lượng ô tô gia đình tăng lên. Với số phương tiện tham gia giao thông hiện có, quy mô TTĐK tỉnh gồm 2 dây chuyền, công suất kiểm định 140 xe/ngày như hiện nay thì xem như  "chiếc áo đã chật".

Đại diện lãnh đạo một hãng taxi đang hoạt động ở Thừa Thiên Huế chia sẻ, không riêng thời điểm hậu COVID-19 mà trước đây, hoạt động kiểm định ở Thừa Thiên Huế nằm trong thế quá tải. Để đảm bảo an toàn cho phương tiện hoạt động có thời điểm ông phải chỉ đạo từng nhóm đưa xe đến các tỉnh lân cận kiểm định vì đến thời hạn.

Từ lâu, Chính phủ đã cho phép xã hội hóa hoạt động đăng kiểm và tại Nghị định 139/2018 của Chính phủ đã tạo cơ hội tăng năng lực về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới. Từ khi Nghị định 139 ra đời đến nay, nhiều tỉnh, thành như Thanh Hóa, Hải Dương, Thái Nguyên, Bình Dương, Hải Phòng... đã thành lập thêm 3-4 TTĐK.

Nhiều địa phương khác đã thành lập 9-10 TTĐK. Ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh hiện đã có 25-30 TTĐK.

Nên chăng ở Thừa Thiên Huế cần mời gọi đầu tư thêm 1-2 TTKĐ để đáp ứng nhu cầu cho các chủ phương tiện có thêm cơ hội lựa chọn dịch vụ kiểm định, để đáp ứng nhu cầu khách hàng.

Bài, ảnh: Song Minh