Người lao động nhập cư ở thủ đô New Delhi, Ấn Độ. Ảnh minh hoạ: AFP/TTXVN
Một báo cáo của UNDP ước tính, sự phát triển của con người trên toàn cầu - thước đo kết hợp của giáo dục, sức khỏe và tiêu chuẩn sống của thế giới - đang trên đà giảm xuống lần đầu tiên kể từ khi khái niệm này được phát triển vào năm 1990.
Trong một số lĩnh vực, UNDP cho biết, các điều kiện hiện nay tương đương với mức độ thiếu hụt được chứng kiến gần nhất vào giữa những năm 1980.
“Trên thế giới, đại dịch sẽ để lại những vết sẹo rất sâu. Nếu không có sự hỗ trợ từ cộng đồng quốc tế, chúng ta có nguy cơ đảo ngược rất lớn những gì đã đạt được trong hai thập kỷ qua”, ông Achim Steiner, Tổng Giám đốc UNDP nhận định trong báo cáo.
Cho đến nay, hơn 5 triệu người đã nhiễm COVID-19 trên toàn thế giới, với hơn 328.000 người tử vong, theo dữ liệu từ Đại học Johns Hopkins.
“Bất bình đẳng mở rộng và dai dẳng”
Một cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng toàn cầu đồng nghĩa với việc các quốc gia phải đóng cửa, với nhiều nhà lãnh đạo thế giới áp đặt các hạn chế nghiêm ngặt đối với cuộc sống hàng ngày của hàng tỷ người. Những biện pháp phong toả bao gồm đóng cửa các trường học, cấm tập trung công cộng và giãn cách xã hội, được dự báo sẽ dẫn đến suy thoái kinh tế tồi tệ nhất kể từ cuộc Đại suy thoái vào những năm 1930.
Các đại dịch thường phơi bày những điểm yếu trong mọi xã hội, nhưng ngay cả trước khi COVID-19 bùng phát, UNDP cho biết, “bất bình đẳng mở rộng và dai dẳng” là một đặc điểm ở hầu hết mọi quốc gia.
“Cuộc khủng hoảng này cho thấy, nếu chúng ta thất bại trong việc đưa sự bình đẳng vào bộ công cụ chính sách, nhiều người sẽ tụt lại hơn nữa phía sau. Điều này đặc biệt quan trọng đối với “những thiết yếu mới” của thế kỷ 21, chẳng hạn như tiếp cận Internet, giúp chúng ta hưởng lợi từ giáo dục từ xa, hỗ trợ y tế từ xa và làm việc tại nhà”, ông Pedro Conceicao, Giám đốc Văn phòng Báo cáo Phát triển Con người của UNDP cho biết trong báo cáo.
Tác động vào sức khỏe, giáo dục và thu nhập
Cũng theo báo cáo nói trên, thu nhập bình quân đầu người trên toàn cầu được dự báo sẽ giảm 4% trong năm 2020, trong khi Ngân hàng Thế giới (WB) cảnh báo, dịch bệnh COVID-19 có thể đẩy lên đến 60 triệu người vào tình trạng nghèo đói cùng cực.
Ngoài ra, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cũng dự báo, một nửa số người đang làm việc có thể mất đi công việc trong những tháng tới, khi chủng virus này được cho là gây thiệt hại cho nền kinh tế toàn cầu lên đến 10 nghìn tỷ USD.
Trong khi đó, Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) ước tính, 265 triệu người sẽ phải đối mặt với mức độ khủng hoảng của nạn đói, nếu không có hành động trực tiếp.
Những quốc gia đang phát triển và những quốc gia đang có khủng hoảng được dự báo sẽ phải gánh chịu nặng nề nhất. Điều đó bao gồm những người dựa vào nền kinh tế phi chính thức, phụ nữ, những người khuyết tật, người tị nạn, những người đã phải di dời và những người phải chịu đựng sự kỳ thị.
“Thế giới đã chứng kiến nhiều cuộc khủng hoảng trong 30 năm qua, bao gồm cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu trong giai đoạn 2007-2009. Mỗi cuộc khủng hoảng đã tác động mạnh đến sự phát triển của con người, nhưng nhìn chung, những thành tựu về phát triển đã được tích lũy trên toàn cầu năm này qua năm khác. Đại dịch COVID-19 với tác động vào sức khỏe, giáo dục và thu nhập có thể thay đổi xu hướng này”, ông Achim Steiner lưu ý.
Lê Thảo (Lược dịch từ CNBC)