Tắm biển là sở thích của nhiều người dân và du khách khi đến Huế. Ảnh: NGUYỄN PHONG
Mấy năm trước nữa, người dân Đà Nẵng kiến nghị lên chính quyền mở đường ra biển cho người dân, do các resort án ngữ hết, cũng tạo một luồng quan tâm của dư luận.
Trải dài dọc đất nước chúng ta là biển. Nghĩa là biển rất rộng. Thế nhưng, nếu làm không khéo là người dân “thiếu biển”. Biển phải được dùng vào để phát triển kinh tế. Nhưng biển cũng phải để cho người dân hưởng thụ, tức là phải tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận. Hay nói cách khác phải hài hòa giữa lợi ích phát triển kinh tế và lợi ích của cộng đồng, cụ thể hơn là cộng đồng nơi có biển.
Dọc suốt chiều dài của Thừa Thiên Huế cũng là biển. Nếu tính từ Bắc vào Nam thì điểm đầu là xã Phong Hải, huyện Phong Điền và điểm cuối là thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, trải dài hơn 80km. Ven biển, từ lâu đã phát triển du lịch, đặc biệt là hai vùng Thuận An (Phú Vang) và Lăng Cô (Phú Lộc).
Biển Lộc Bình (Phú Lộc) trong xanh, sạch đẹp. Ảnh: Tuấn Kiệt
Đợt nắng nóng kéo dài vừa rồi, tôi có dịp về biển Thuận An, Lăng Cô... thấy người dân tiếp cận biển vô tư, thoải mái. Tại vòng cung Lăng Cô đã có nhiều resort xây dựng nhưng vẫn để dành đường cho người dân ra biển, hoặc cứ băng qua resort mà đi, không có sự cản trở nào. Người dân bản địa từ xưa đến nay gắn bó với biển, giờ tuy là ưu tiên phát triển kinh tế nhưng quyền tiếp cận biển thuận lợi của người dân phải được bảo toàn, đó là lẽ đương nhiên.
Ưu tiên cho nhà đầu tư mà làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân bản địa thì đó có lẽ chưa hẳn là một chính quyền hoàn toàn vì dân. Đó là chưa nói đến chuyện, ngay cả nhà đầu tư, cũng không nên xung đột quyền lợi với người dân bản địa.
Như rằng, Thừa Thiên Huế đã nhận ra điều này rất sớm cho nên, chúng ta chưa thấy một xung đột quyền lợi nào xảy ra.
Hiện nay, du lịch biển đang phát triển rất mạnh. Du lịch sông, suối cũng vậy. Biến đổi khí hậu đã làm cho thời tiết ngày càng nóng hơn vào mùa hè. Đời sống của người dân cũng đã khá hơn lên rất nhiều, cho nên chúng ta thấy có một xu hướng du lịch biển phát triển rất mạnh – du lịch quốc tế, du lịch nội địa, du lịch nội tỉnh.
Đi kèm với xu hướng này là dịch vụ phát triển, trong đó có cả dịch vụ lưu trú. Cho nên, bài học về sự hài hòa lợi ích của nhà đầu tư và người dân bản địa phải được đặt ra một cách nghiêm túc và xử lý ngay từ ban đầu. Điều này là trách nhiệm của chính quyền khi cấp phép đầu tư.
Điều này chẳng những đúng với các dự án phát triển kinh tế gắn với biển, với suối mà dường như với mọi loại hình kinh tế khác. Xây dựng nhà máy chế biến tinh bột sắn, chẳng hạn? Chính quyền ủng hộ, người dân đồng lòng vì biết đâu có quyền lợi của họ trong đó, như tạo ra công ăn việc làm. Nhưng nhà máy xả thải (nước, mùi) ra môi trường, ảnh hưởng đời sống người dân chung quanh là không được…
Bài học về hài hòa lợi ích dường như chưa bao giờ cũ.
Lê Phương