Nhìn mấy con cá ngạnh từa tựa lũ trê, nhưng chỉ to bằng ngón tay cái với 3 chiếc ngạnh sắc nhọn và cái bụng chữa chình ình là tôi như cảm thấy đau nhói ở đầu ngón tay và chợt hiểu, dù bên ngoài kia trời có chang chang nắng thì đây đã là thời kỳ bước vào mùa lụt ở Huế. Cũng dịp này đây, vào những ngày xứ Huế không mưa và có nắng hanh vàng là lúc bọn trẻ nhà quê tụi tôi xách cần đi câu cá ngạnh. Không như bao loại cá khác, câu cá ngạnh phải đi xa, chẳng thể loanh quanh ở mấy con hói nội đồng, mà như vùng quê tôi đó phải ra tới tận giáp giới sông Lợi Nông. Làng Dạ Lê từ trong này quốc lộ 1A ra tới nơi có thể câu được nhiều cá ngạnh kia xa đến hơn cả cây số. Ở đó, chúng tôi chọn những miệng cống, nối những con hói trong này với dòng sông đào. Cứ nhìn dòng nước mà buông câu. Nếu thấy nước chảy vào thì câu ở bên trong cống và ngược lại. Lại nữa, cứ nhằm vào giữa dòng chảy mà buông câu, nước càng chảy mạnh thì cá càng tụ lại và càng ăn câu nhiều.

Có thể câu cá ngạnh bằng nhiều thứ mồi khác nhau, nhưng nhạy nhất là thứ mồi trùn hay mồi tép, mồi tôm bóc vỏ. Kẻ câu sành câu có thể “dụ” cá bằng cách xả bột tép khô trộn với bùn và khi buông câu chú ý, lâu lâu dừng lại dùng đầu cần câu ngoáy ngoáy trực tiếp xuống điểm câu tạo tiếng động để dụ cá ngạnh tụ lại. Ngạnh cũng là thứ cá tham ăn, gặp mồi là đớp ngay nên vào buổi đẹp trời cứ thế tha hồ giựt. Vậy nhưng, gỡ cá mắc câu thì hãy xem chừng mấy cái ngạnh. Bị cá ngạnh nẻ thì đau nhức cả tuần. Với tôi, đã mấy chục năm rồi bỏ câu, vậy mà mới nhìn thôi chú cá ngạnh đã thấy nhức buốt là vì thế. Nhớ mãi lời thằng bạn khi tôi kêu trời vì bị cá ngạnh nẻ: “Đi bủa lưới hay câu cá ngạnh phải học nghề gỡ cá nghe chưa”. Nói rồi, hắn nhảy xuống, cứ thế này, thế này. Tôi học mãi mà vẫn cứ bị cá ngạnh nẻ.

Lần đầu tiên câu cá ngạnh tôi cứ thắc mắc sao lại phải đi xa thế. Mấy đứa bạn nhà quê cũng chả hiểu, bảo hỏi hoài, cứ thế xưa bày nay làm, muốn có cá nhiều thì đi theo còn không thì ở nhà. Sau này đọc sách tôi mới hiểu, cá ngạnh sống theo bầy đàn và một khả năng đặc biệt là có thể ở nhiều môi trường khác nhau, nước ngọt, nước lợ và cả nước mặn nữa. Riêng ở Huế mình, cá ngạnh có nhiều ở các khe suối nơi thượng nguồn các dòng sông, đặc biệt là sông Hương. Vậy nên, cá ngạnh xứ Huế còn có một tên gọi đầy mê hoặc, không thể lẫn lộn được là cá ngạnh nguồn, gắn liền câu ca nổi tiếng: “Măng giang nấu cá ngạnh nguồn/ Đến đây ta phải bán buồn mà vui ”. Mùa lũ, cá từ thượng nguồn theo dòng nước lụt về xuôi, trong đó có cả những bầy cá ngạnh. Ban đầu ở những con sông, con hói lớn, kiểu như sông đào Lợi Nông. Rồi cứ thế theo con nước chảy, từng bầy cá ngạnh tiến dần vào những con hói nhỏ ở những cánh đồng ngập nước. Ăn uống no say, vẫy vùng thỏa thích, đó cũng là lúc cá bước vào mùa sinh sản và oái ăm thay, bị mắc câu con người!

Cá ngạnh ngày xưa của tôi chỉ là con cá nhỏ, thịt mỏng và được kho mặn hay nấu canh thiếu nhiều gia vị nên không hấp dẫn. Nó khác xa với bây chừ. Nhớ hôm mới đây vào Sài Gòn, tôi được anh bạn mời đi ăn nhà hàng. Không hiểu thế nào mà anh bạn hứng chí kêu một phần ăn có 7 món thì đã có tới ba món cá ngạnh: nướng, rang muối và nấu chuối đậu. Tôi còn nghe đâu, ở nhà hàng “Ruốc” trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa có món cá ngạnh nấu chua với măng và được quảng cáo đó là thứ cá ngạnh bụng trứng mang từ Huế vào. Nó được xếp vào hàng món ăn đặc sản của Huế ở phương xa, ghê thật. Tôi chưa tới nhà hàng kia, nhưng trưa nay ăn món canh cá ngạnh nấu canh chua của vợ cũng đã cảm nhận được vị ngon lạ lùng. Đó là sự kết hợp vị ngon ngọt của thịt cá ngạnh với vị chua của măng và vị cay của ớt nữa. Húp canh chua, gắp con cá ngạnh, chấm thêm tý gia vị muối ớt... đúng là ngon thiệt là ngon. Lại chợt nhớ, cũng một câu ca của Huế: “Măng giang nấu cá ngạnh nguồn. Anh ăn cho mát anh thương vợ nhà”.

Đan Duy