Khai thác cát, sỏi trái phép là vấn nạn nhức nhối, gây sạt lở, ô nhiễm môi trường, xâm phạm quyền quản lý tài nguyên khoáng sản của Nhà nước, làm mất trật tự trị an trên địa bàn, diễn ra nhiều năm qua. Các cấp các ngành cũng đã quyết liệt vào cuộc, vận động, tuyên truyền pháp luật... Thế nhưng nhiều đối tượng vẫn bất chấp, lén lút thực hiện hành vi vi phạm. Phiên tòa do TAND tỉnh xét xử sơ thẩm vào ngày 19/5, là phiên tòa hình sự đầu tiên xét xử về hành vi vi phạm trong lĩnh vực này. Theo đó, V.V.L (trú xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền) là bị cáo đầu tiên bị xét xử, kết án tù về hành vi khai thác cát trái phép.   

Trước đó, khoảng 8 giờ tối ngày 1/7/2019, L. và P. V. Q. sử dụng đò máy bằng nhôm, thuộc sở hữu chung của L. và Q., có gắn hệ thống hút cát, cùng nhau khai thác cát trái phép dưới lòng sông Bồ, thuộc địa phận thôn Thanh Lương, phường Hương Xuân (TX. Hương Trà) nhằm mục đích đem bán lấy tiền. Khi cả hai đang điều khiển đò máy để vận chuyển cát đến địa phận thôn Phước Yên xã Quảng Thọ (Quảng Điền) thì bị bắt giữ.

Kết luận giám định của Sở Tài nguyên và Môi trường xác định: Loại cát mà L. và Q. khai thác trái phép là “tài nguyên khoáng sản cát làm vật liệu xây dựng thông thường” theo quy định của Luật khoáng sản. Bản kết luận định giá của Hội đồng định giá tài sản UBND tỉnh xác định 9m3 cát có giá trị 2.520.000 đồng. Tại biên bản xác minh ngày 8/1/2020, Sở TN&MT tỉnh khẳng định, đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh không có cá nhân nào được cấp phép khai thác mỏ cát sỏi làm vật liệu xây dựng.

Trước đó, L. đã có tiền án về vi phạm khai thác cát, sỏi trái phép và đã bị cơ quan chức năng nhiều lần xử phạt vi phạm hành chính. Trong vụ án này, Q. tuy có hành vi cùng L khai thác cát trái phép nhưng “may mà” Q. không có tiền án, tiền sự về 1 trong những hành vi quy định tại Điều 227 BLHS, nên không đủ yếu tố cấu thành tội. Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh đã ra Quyết định xử phạt hành chính đối với Q., số tiền 2 triệu đồng.

Vợ chồng bị cáo trình bày, trước đây họ là dân vạn đò, sinh sống bằng nghề đánh bắt cá trên sông và ai thuê gì làm nấy. Nay tuy đã được lên bờ tái định cư, nhưng do đông con (vợ chồng bị cáo có 5 người con) nên cuộc sống lúc nào cũng thiếu trước hụt sau, nhà cửa tạm bợ. Vợ chồng bị cáo “liều” vay mượn 200 triệu đồng sắm chiếc đò và máy hút để khai thác cát. Thời gian sau, vợ chồng bị cáo cho Q. chung vốn vào chiếc đò 50 triệu đồng. Cứ nghĩ “xui” thì mới bị lực lượng chức năng phát hiện, truy bắt và phạt tiền. Ai ngờ bây giờ bị phạt tù. Chiếc đò - phương tiện phạm tội - sẽ bị tịch thu, sung công. “Từ nay không dám nữa” là lời khẩn khoản trước hội đồng xét xử của cả vợ chồng bị cáo và Q; đồng thời xin tòa tuyên trả lại chiếc đò để họ bán đi, “vớt vát” lại chút vốn để trả bớt nợ nần.

Tuy nhiên, những ân hận của vợ chồng bị cáo, của Q. đã quá muộn. Bị cáo “lãnh” án 9 tháng tù; phương tiện phạm tội bị tịch thu, sung công. Hội đồng xét xử cũng cảnh báo đối với Q., lần này vi phạm đã bị xử phạt vi phạm hành chính, nếu tiếp theo còn vi phạm, thì sẽ bị xử lý về hình sự, “đối mặt” với án tù, như bị cáo L.

Vụ án cũng là “bài học” đắt giá cho bất cứ người nào còn có ý định bất chấp các quy định của pháp luật, lén lút thực hiện hành vi khai thác cát, sỏi trái phép.

Quỳnh Anh