Tôi cứ nghĩ, nếu để gọi là có một thị trường tranh đúng nghĩa, chí ít thì phải có một không khí nghệ thuật thật sự, với những cuộc triển lãm đậm chất, có sự khác biệt đủ để người ta dừng lại, và có thể là mang đi. Ít nhất, phải có một không khí phê bình mỹ thuật, có khen và có chê, thậm chí có cả đỏ mặt tía tai đâu đó để rồi sau đó, con người của sáng tạo nghệ thuật thật sự lại đắm mình vào giá vẽ, hoặc bất cần như cách mà họ vốn có để mang lại cho cuộc sống những đường nét, mảng màu, hình khối kỳ diệu hay lạ lẫm trên các chất liệu... Nhưng là nói vậy thôi, ở đâu đó trong các ngõ phố, góc nhà, hay thậm chí chỉ là những gác xép nhỏ, những tác phẩm mỹ thuật vẫn đang được phôi thai, lên màu và lên mảng như một phần thiết yếu của cuộc sống trong con người sáng tạo. Để ít nhất thì như cách nói của bạn tôi - một họa sĩ được xem là thành danh - thì trong sự ảm đạm của thị trường tranh Việt nói chung và Huế nói riêng, vẫn có họa sĩ bán được tác phẩm của họ ra nước ngoài với mức giá 20.000 USD và gần đây là sự đổi hướng mới khi cặp song sinh Lê Ngọc Thanh và Lê Đức Hải có những giao dịch thành công về video nghệ thuật; hay sự bắt đầu thu hút của thế giới nghệ thuật Trúc chỉ của Phan Hải Bằng và các cộng sự.
Nhưng còn có một tiếng nói khác, từ các chủ gallery khi tự thừa nhận là mình tự PR mình còn kém, dẫn đến đời sống dạo này khó khăn hơn khi những giao dịch thành công không nhiều. Không có những nhà sưu tập mới và những gương mặt cũ trong đội ngũ này cũng mỏng trở lại. Có phải vì thế không mà tranh ra gallery cũng trở nên ít có sự mới mẻ, thiếu đột phá? Những tác phẩm thật sự vẫn náu mình trong những kho tranh hay nép bóng đâu đó trên các mảng tường, trong các gallery tại gia...?
Dù sao, thì vẫn còn có một ít tín hiệu lạc quan khi một chủ gallery nói rằng, chị đã tìm và sống được với một phân khúc thị trường mới khi người Huế bắt đầu để tâm hơn đến việc mua tranh để trang trí, làm quà tặng với mức giá từ nhỏ đến vừa phải. Thôi thì cứ tích tiểu thành đa và hy vọng sẽ có một nhận thức thẩm mỹ khá hơn ở thì tương lai.