Trái phiếu DN có hai dạng phát hành - phát hành rộng rãi ra công chúng và trái phiếu riêng lẻ. Trái phiếu DN phát hành ra công chúng phải tuân thủ các nguyên tắc hết sức chặt chẽ và phải được Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước cấp giấy chứng nhận. Trong khi đó, phát hành trái phiếu DN riêng lẻ “dễ thở” hơn nhiều và chỉ công bố thông tin trực tiếp cho bên mua và cho Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội.

Thông thường các điều kiện ràng buộc ít hơn thì cũng đồng nghĩa với độ rủi ro cao hơn. Điều này giải thích vì sao trái phiếu DN riêng lẻ hiện tại đang ở mức cao hơn nhiều so với trái phiếu DN phát hành ra công chúng và cao có khi gấp đôi so với lãi suất ngân hàng.

Bất kỳ một sự rủi ro nào ở lĩnh vực tài chính cũng có thể ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế. Rủi ro càng lớn nó có thể tác động đến cả nền kinh tế. Chúng ta đã từng chứng kiến một thời kỳ cách đây chưa lâu, nhiều ngân hàng ồ ạt cho vay “dưới chuẩn” đã làm cho “đống” nợ xấu tăng lên, gây áp lực rất lớn đối với nền kinh tế.

Ở Huế, nhiều công trình dang dở trong thời kỳ nợ xấu tăng cao, giờ vẫn còn “trơ trơ bóng nguyệt”. Đi ven biển từ Thuận An xuống Phú Thuận, Phú Diên (Phú Vang) chúng ta sẽ thấy còn nhiều công trình như vậy.

Điều này cho thấy, hễ đụng đến tài chính là phải hết sức thận trọng – từ Nhà nước (quản lý) nhà đầu tư (cho vay) và cả người đi vay. Càng có những dấu hiệu chứng tỏ độ rủi ro tăng lên thì cần phải càng hết sức thận trọng.

Những dấu hiệu nói trên có thể phản ánh là DN có thể đang khát vốn. Đi vay ngân hàng cũng là một kênh huy động vốn, phát hành trái phiếu cũng là một kênh. Lẽ thường, DN sẽ chọn kênh huy động vốn nào rẻ nhất. So với các kênh huy động vốn hiện tại thì kênh đi vay từ ngân hàng là rẻ nhất. Thế nhưng vì sao DN không vay? Có thể DN đã hết hạn mức vay trong khi cơ hội làm ăn trong ngắn hạn và dài hạn vẫn có. Điều này đã buộc DN phải tìm đến một kênh huy động vốn khác, dù đắt đỏ hơn! Tuy nhiên, chúng ta cũng không thể loại trừ những DN có “thể trạng” tài chính yếu, huy động để tái cơ cấu nợ, chẳng hạn. Đồng tiền huy động nếu không được sử dụng lành mạnh sẽ rất dễ dẫn đến đổ vỡ.

Đối với người mua trái phiếu cũng cần phải thận trọng xem xét vấn đề này. Giữa một kênh huy động vốn 8%/năm và một kênh huy động 12,5%/năm, thậm chí có thông tin còn hơn thế nữa, với người có tiền đầu tư vào các kênh này, rõ ràng, lãi suất càng cao độ hấp dẫn càng lớn. Rất có thể chính độ hấp dẫn của lãi suất làm cho nhà đầu tư quên đi nguyên tắc rủi ro!

Như trên đã nói, một khi rủi ro xảy ra, theo một phản ứng dây chuyền, ít nhiều các bên liên quan đều bị ảnh hưởng. Quy mô càng lớn, diện càng rộng thì độ ảnh hưởng tiêu cực càng sâu sắc. Vì vậy đòi hỏi tất cả các bên đều phải thận trọng. Các ngành chức năng quản lý Nhà nước cần nghiên cứu thận trọng và thường xuyên cảnh báo điều này. Ngay DN phát hành trái phiếu cũng phải tính toán kỹ lưỡng từng món phát hành, mục đích sử dụng, phát huy tối đa hiệu quả đồng vốn huy động. Nhà đầu tư, với tư cách là người bỏ tiền, chuyện được mất cũng phải nghiên cứu thận trọng, không nên “đánh cược”.

Nguyên Lê