Đức tăng thuế với xe phát thải cao. Ảnh minh họa: Tawatchai Kemgumnerd/ Vietnamnet
Tuy nhiên, nhóm các nhà nghiên cứu môi trường cho rằng mức phạt mới vẫn chưa đủ cao để thay đổi hành động của người tham gia giao thông.
Cụ thể, thuế cơ giới mới của Đức áp dụng cho các phương tiện phát thải cao sẽ chính thức có hiệu lực từ năm 2021, Nội các Đức thông báo sau khi phê duyệt dự luật cho hay. Bộ trưởng Tài chính Olaf Scholz cũng lên tiếng thúc đẩy triển khai dự luật và cho rằng điều này sẽ kích thích tăng doanh thu nhà nước trong một thời gian ngắn hạn.
Cũng theo ông Olaf Scholz, mặc dù về lâu dài, khi ít có phương tiện phát thải cao lưu hành và bị xử phạt, nguồn thu nhà nước sẽ bị hao hụt đáng kể. Song cần nhận ra rằng “Đây là một điều tuyệt vời”.
Được biết, việc tăng thuế xe cơ giới đã được thỏa thuận vào tháng 9/2019 như một phần của gói khí hậu ký kết thỏa thuận giữa Liên minh Dân chủ Xã hội Cơ đốc Giáo (CDU/CSU) và Đảng Trung tả Dân chủ Xã hội Đức (SPD).
Tại Đức, thuế đường bộ vốn được tính dựa trên sự kết hợp giữa độ lớn của động cơ và khí thải. Tuy nhiên, hệ thống thuế mới được tạo ra nhằm tăng chi phí thuế cao hơn đối với các phương tiện phát thải cao, trong khi số tiền thuế phải trả đối với các dòng xe ít phát thải hơn có thể giữ nguyên, thậm chí là giảm bớt.
Theo đó, luật mới sẽ bắt đầu tính thêm phụ phí mỗi khi các xe ôtô vượt quá mức phát thải trung bình là 95gr CO2/1km. Mức phụ phí sẽ là 2 EU cho 1gr CO2 thêm vào. Mức phụ phí áp dụng cho mỗi gram khí CO2 sẽ tăng lên theo từng giai đoạn, song sẽ không quá 4 EU/1gr khi xe có mức phát thải từ 196gr CO2/1km.
Như vậy, điều luật mới khi được áp dụng sẽ tác động chủ yếu đến túi tiền của các chủ xe SUV và xe tải nhỏ, trong khi các phương tiện bé hơn sẽ không chịu ảnh hưởng nhiều.
Những chiếc xe chở khách có lượng phát thải ít hơn 95gr sẽ được hưởng mức giảm thuế hằng năm là 30 Euro trong tối đa 5 năm.
Cùng với đó, các loại xe điện mới cũng đã được miễn thuế phương tiện đến hết năm 2025 và ưu đãi miễn trừ này sẽ được kéo dài đến hết năm 2030.
Đan Lê (Lược dịch từ Dw)