Kiều hối toàn cầu dự kiến giảm gần 20% trong năm 2020. Ảnh minh họa: KT/VOV

Trong một thông điệp trước Ngày quốc tế Chuyển tiền cho gia đình (16/6), Tổng thư ký LHQ António Guterres kêu gọi người dân ở khắp mọi nơi ủng hộ cho những lao động di cư, vào thời điểm mà lượng kiều hối toàn cầu – khoản tiền mà người di cư gửi về quê nhà để hỗ trợ cho gia đình họ - dự kiến giảm hơn 100 tỷ USD trong năm 2020, gây ra nạn đói, thất học và không được chăm sóc sức khỏe… cho hàng chục triệu gia đình. Đây được cho là mức giảm mạnh nhất trong những năm gần đây, chủ yếu là do giảm thu nhập và mất việc làm ở nhóm lao động di cư - những người dễ bị mất việc làm và thu nhập do khủng hoảng kinh tế ở các nước sở tại.

Tổng thư ký Guterres cho biết, hiện có khoảng 200 triệu người di cư thường xuyên gửi tiền về quê nhà và 800 triệu gia đình trong các cộng đồng ở các nước đang phát triển đang sống phụ thuộc vào nguồn tài nguyên đó.

Theo các nghiên cứu, kiều hối đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ giảm nghèo ở các nước thu nhập thấp và trung bình, cải thiện dinh dưỡng, nâng cao chi tiêu cho giáo dục và hạn chế lao động trẻ em đối với các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Do đó, khi lượng kiều hối giảm mạnh, các gia đình sẽ phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, ngay cả với những nhu cầu thiết yếu.

Hồi tháng 4, Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính rằng, sau mức kỷ lục 554 tỷ USD mà người di cư đã gửi về quê nhà trong năm 2019, cuộc khủng hoảng kinh tế do đại dịch COVID-19 và những tác động đi kèm của nó sẽ gây ra sự sụt giảm mạnh nhất về kiều hối trong lịch sử gần đây, với mức giảm dự kiến ​​lên đến 19,7%. Theo WB, hàng triệu lao động nhập cư đã mất việc làm, đẩy các gia đình phụ thuộc xuống dưới mức nghèo khổ.

Theo các chuyên gia kinh tế, dòng kiều hối ​​chảy vào tất cả các khu vực đều sẽ sụt giảm, đáng chú ý nhất là châu Âu và Trung Á (27,5%), tiếp đến là châu Phi cận Sahara (23,1%), Nam Á (22,1%), Trung Đông và Bắc Phi (19,6%), Mỹ Latinh và Caribe (19,3%) và Đông Á và Thái Bình Dương (13%).

Phát biểu về vấn đề này, Chủ tịch WB David Malpass cho rằng, “kiều hối là một nguồn thu nhập quan trọng đối với các quốc gia đang phát triển. Suy thoái kinh tế do hậu quả của COVID-19 đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc lao động di cư gửi tiền về quê nhà. Do đó, việc rút ngắn thời gian phục hồi kinh tế ở các nước phát triển càng trở nên quan trọng hơn...”.

Song song đó, để giúp đỡ lao động di cư - lực lượng có đóng góp rất lớn cho nền kinh tế thế giới, LHQ cũng kêu gọi giảm chi phí chuyển tiền và các dịch vụ tài chính cho người di cư và gia đình họ, nhất là ở khu vực nông thôn, và thúc đẩy các giải pháp tài chính cho một tương lai an toàn và ổn định hơn, đồng thời tìm cách tối đa hóa hiệu quả của kiều hối.

TỐ QUYÊN

(Lược dịch từ UN & WB)