Tựu trung của hai “sự kiện” nói trên là sai phạm nghiêm trọng. Mỗi nơi sai mỗi kiểu.

Có thể nói, trong quá trình xây dựng và chỉnh đốn Đảng, nhiệm kỳ này chính là nhiệm kỳ mà cán bộ, trong đó có không ít cán bộ cao cấp bị xử lý nhiều nhất (hơn 70 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý).

Tại hội nghị lần thứ 11, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nói: “Thật đau xót, nhưng không thể không làm, không có cách nào khác! Tất cả là vì sự nghiệp chung của Đảng, của đất nước, của Nhân dân. Đây là bài học sâu sắc, bài học đắt giá cho tất cả chúng ta”.

Đúng là một hiện thực đau xót bày ra trước mắt. Có những cán bộ mới đó đứng trước bàn dân thiên hạ nói những lời “có cánh” về đủ thứ trên đời, kể cả chuyện nhân cách, đạo đức, vì nước, vì dân, vì Đảng… Đùng cái, cơ quan chức năng phát hiện ra sai phạm như những ung nhọt. Lòng tin của dân mất cũng từ đây. Nhưng lòng tin của dân được củng cố cũng từ đây, qua cách xử lý kiên quyết của Đảng – chịu đau để cắt bỏ những ung nhọt.

Chúng ta thấy một điều, đã cán bộ mà hư hỏng, càng ở vị trí cao thì hậu quả để lại càng lớn. Và những sai phạm trong công tác đảng thường đi đôi với những sai phạm về kinh tế. Không biết bao nhiêu tiền của của đất nước, của Nhân dân bị mất. Chúng ta không thể hình dung những đại án lên đến hàng ngàn tỷ đồng, chẳng thời nào có như vậy. Có nhiều người không thể hiểu được tiền nhiều như thế làm cách nào mà họ lấy được? Họ lấy nhiều tiền đến thế để làm gì? Họ không hề sợ hãi khi lấy một số tiền lớn như vậy hay sao? Bao nhiêu câu hỏi còn làm day dứt lòng người.

Một khi Đảng làm nghiêm thì “phát lộ” ra những trục trặc, hư hỏng của công tác cán bộ, của bộ máy. Không phải cỗ máy hỏng hóc ít mà là hỏng nhiều. Hơn 70 cán bộ cao cấp bị xử lý đâu phải là con số nhỏ. Có một câu hỏi tiếp theo được đặt ra: nhiều cán bộ sai phạm và sai phạm nghiêm trọng như vậy có phải chúng ta không biết hay là có biết mà khó xử lý?. Khi xử lý được thì “bệnh đã nặng”. Phải chăng đây là điều mà nhiều nhà nghiên cứu bảo rằng “lỗi hệ thống”!?

Qua cách xử lý kiên quyết của Trung ương đối với những cán bộ sai phạm, dù là ở cấp cao đã cho thấy một quyết tâm rất cao của Đảng trong việc làm trong sạch bộ máy, tức là những “lỗi trong hệ thống” được sửa chữa, khắc phục, thay mới. Động thái này cho chúng ta một niềm tin, hệ thống từ đây, ít nhất thì cũng sẽ chạy suôn sẻ hơn trước rất nhiều.

Trong trường hợp Quảng Ngãi và Thủy Biều nêu trên, chúng ta thấy sự hỏng hóc là từ “đầu máy” (xin được ví von như vậy, bởi những người bị kỷ luật hoặc là xin thôi giữ chức  - thực ra là từ chức, mà không từ thì cũng khó giữ được chức). “Đầu máy mới” bây giờ được thay đổi thì không có lý gì lại chạy kém hơn những “đầu máy” đã bị hỏng hóc. Không ai biết được chắc chắn mọi điều nó sẽ như thế nào, nhất là những gì thuộc về con người – vốn đầy phức tạp. Song, nếu trong công tác xây dựng Đảng giữ được sự kiên quyết như trong thời gian vừa qua (từ đầu nhiệm kỳ Đại hội Đảng đến nay) thì càng tạo dựng cho Nhân dân một niềm tin – “những đầu máy mới” sẽ chạy ngon lành.

NGUYÊN LÊ