Không hiểu sao, tôi vẫn khoái cảm giác của ngày chủ nhật được ngủ nướng. Tôi chắc rằng điều này chẳng tốt, nhưng với một người có mỗi ngày chủ nhật để nghỉ thì hẳn phải lên kế hoạch rõ ràng. Dù kế hoạch chỉ là giấc ngủ nướng nhưng lại được chuẩn bị kỹ càng từ chiều thứ 7. Tôi muốn một chủ nhật thật khác biệt với những ngày trong tuần.

- Ngắm bình minh trên biển – cũng là một trải nghiệm khác. Anh nói.

- Vậy chúng ta có thể dậy sớm hơn để làm điều đó vào các thứ, trừ chủ nhật.

Tôi chắc nịch với tư tưởng này. Bởi vậy, anh không bao giờ xuất hiện trong những chiều thứ 7 của riêng tôi.

Đầu tiên tôi gọi một ly cà phê, loại ít sữa, không đá sau giờ làm. Tôi ngồi ê a ở quán quen, gõ gõ, đọc đọc. Tôi gõ bất cứ cái gì hiện đến trong đầu. Hôm nay tôi gặp ai, trò chuyện gì, chiếc cốc nứt toác vì điều gì, chị chủ liếc nhìn ba lần và nhăn mặt bốn cái mà không nói gì nghĩa là sao. Mặn quá à, chua quá à, đắng quá à hay là ngọt quá? Như một cuốn băng tua ngược, tôi sao chép vào dòng trạng thái rồi để chế độ một mình. Một công việc không nhiều lời xuất hiện nhưng sự suy diễn tuôn ra hàng ngàn chữ. Tôi gõ xong, lướt dạo vài trang quen thuộc, đôi khi cũng bày đặt đọc báo. Cái ngành tôi ướm vào đầu ước mơ được lang thang, được đi đây đi đó. Rồi rốt cuộc, tôi lui vào căn bếp nhỏ, quen với lửa, dầu, mắm, muối. Vài dòng tin xuất hiện không có gì mới mẻ cũng không có gì khả quan. Cái giọng văn cứ đều đều theo nguyên tắc 5W+1H không có gì thay đổi. Dù vậy, tôi vẫn dành vài phút thời gian của chiều thứ 7 đọc chúng, cốt để tin rằng cuộc sống này không quá khác với những gì được học, hoặc ít ra, việc viết một tin bài không khác gì ý thầy cô truyền dạy. Tôi không cần ăn tối nhưng sẽ mua thêm cà phê trước khi ra về. Tôi cố dọn nhà cửa thật gọn, thật sạch. Gỡ phần chân của chiếc bàn mini, trải lên chiếc khăn bàn thêu màu hoa cà, pha một ấm trà, đốt một ít tinh dầu, mở một bản piano và uống ly cà phê vừa mua về. Là hai cốc chỉ trong vài giờ đồng hồ. Điều đó chỉ được làm vào chiều thứ 7, một chiều duy nhất trong tuần. Rồi sau đó tôi thức cho hôm sau được ngủ nướng. Thật đơn giản và không có gì khó khăn.

- Em cứ mãi không dành cho anh một buổi sớm ngày chủ nhật à?

Chủ nhật của những mùa hè thời sinh viên, tôi thường bắt chuyến tàu chợ về nhà. Tàu cứ lắc lư cùng nhịp với tiếng của mạ hôm nào “Hè - thì – nên - về - nhà”. Tôi không rõ những mong muốn đằng sau câu nói đó của mạ, nhưng cái giọng điệu vừa tha thiết vừa cứng rắn phát ra thì chắc chắn tôi biết mình sẽ về. Chỉ mất hơn một giờ để thực hiện điều đó.

“Nếu anh muốn, thực sự anh sẽ có những buổi sớm chủ nhật bên tôi như đã từng, tôi sẽ kê đầu lên vai anh, nhắm mắt và lắc lư theo nhịp điệu con tàu”. Ngoài kia, phượng đã đỏ lên rồi.

Nhà ở gần trường làng, nơi tôi biết những vần chữ đầu tiên. Trường là món quà của một đôi vợ chồng Việt kiều gửi tặng quê nghèo, khang trang nhất nhì hồi đó ở huyện nghèo. Nhưng rồi người ta chuyển trường đi nơi khác với rất nhiều khẩu hiệu, phong trào, tiêu chuẩn. Chẳng còn mấy ai qua lại nơi này nữa ngoài mấy đứa trẻ con ưa đập dập mấy trái phượng già để lấy hạt ăn cho vui hoặc những đứa như tôi ngẩn ngơ dưới góc phượng đỏ rực. Tôi đã ước, anh sẽ cùng tôi về trong một ngày hè gần nhất, cùng ngồi với tuổi thơ tôi dưới tán phượng. Mỗi khi hè về, phượng đỏ lên trong tôi nhiều suy nghĩ.

Những dãy nhà đã luộm thuộm, cửa bàn đã xọc xệch và phòng học chỉ còn mùi chuột, gián. Chỉ có cây phượng già vẫn tươi mỗi khi hè đến, để những lúc ngắm nhìn sắc hoa lòng tôi lại mềm như con bún. Tôi nhớ cánh phượng trong trang vở, tôi nhớ con cào cào từ lá phượng, cả mấy hạt phượng béo dẻo. Cây phượng cô đơn thế mà vẫn đỏ tươi cả một khoảng trời. Dù học sinh đã thôi qua lại, nhưng “lão” phượng này vẫn chăm chỉ khoe sắc để nhắc về mùa hè, nhắc cho những ai đã từng làm học sinh nhớ về thời tươi đẹp của cuộc đời. Tôi cứ nhớ cái màu hoa như lửa cháy, đốt âm ỉ giấc mơ làm nhà báo của tôi, để rồi sau đó thành sinh viên và tốt nghiệp ra trường “dắt lưng” tấm bằng cử nhân báo chí.

Công việc bây giờ tôi đang làm, nó chẳng dính dáng gì đến ước mơ tôi hồi nhỏ. Một cú rẽ cua đầy bất ngờ và nhiều nỗi hoang mang. Như khi tôi tròn xoe mắt đọc dòng tin về một vụ tai nạn.

Người viết vẫn làm đúng nguyên tắc cho một bài báo: Ai? Chuyện gì? Ở đâu? Lúc nào? Như thế nào? Và tại sao? Một cây phượng ngã đổ, làm chết một học sinh. Đó là thông tin cần nắm. Nhưng cây phượng sao tự đổ được? Đất yêu cây, cây bám vào đất, dại gì cây đổ? “Chẳng qua là cây không thở nổi vì nền xi măng bịt kín” – cô bạn của tôi nói ngang phè. Rồi sau đó, người ta “tru di cửu tộc” cả một dòng họ nhà phượng.

Tôi trằn qua trọc về với những lát cắt hiện lên trước mặt. Cà phê làm tôi thức, mấy cây phượng bị chặt ngang làm tôi tỉnh. Đầu óc căng ra, mắt lờ đờ và con tim đang đánh trống thình thịch.Và khi mọi giới hạn không thể đi quá được nữa, tôi bước đến điều bình thường nhất, như là một giấc ngủ. Tôi biết tác hại của cà phê cho những sáng hôm sau, uể oải và vật vờ. Nhưng chẳng hiểu sao, tôi vẫn thích điều đó, dù nó lặp lại cả trăm lần. Giống như một nhịp gõ để nhắc rằng, lại một tuần, lại một tuần.

Sáng chủ nhật hôm sau của những dòng tin vừa đọc không giống những ngày trong tuần, cũng không giống những chủ nhật đã qua. Cô bạn cùng phòng vẫn thở đều như vốn có. Tôi tỉnh giấc trên chiếc nệm màu xanh nước biển, trong căn phòng sơn màu xanh lá cây và thanh âm phượng đỏ lan đến tai.

“Mỗi năm đến hè lòng man mác buồn...

Nếu ai đã từng nhặt hoa thấy buồn...”

Tôi không rành về bolero nên không biết ca sĩ nào đang hát mà hay đến thế. Thứ thanh âm làm không khí như tan vào từng tế bào, như gõ thêm những điệu buồn vô tận. Tôi không nghĩ chấp nhận một điều cố hữu trong người lại nhanh đến vậy, như một hôm thấy dòng nhạc sến này cũng hay lạ kỳ. Bao nhiêu mùa hạ về, bao nhiêu mùa phượng nở bỗng nhiên sống lại như chỉ vừa hôm qua. Như cái hôm má tôi đỏ lừ màu cánh phượng khi anh nói lời yêu.

Tôi chỉ băn khoăn, nếu sân trường không còn phượng nữa, đám học trò không thấy cành phượng nở, liệu những ai nghe “Nỗi buồn hoa phượng” có còn được xốn xang?

---

Tôi vớ lấy chiếc điện thoại trên tay, gửi đến anh một dòng tin nhắn “đưa em về với mùa hè của chúng ta”.

YÊN THƯỜNG