Chia sẻ với Thừa Thiên Huế Online, bạn Lê Nguyễn Kiều Xuyên – đồng sáng lập dự án nói rằng, đây là dự án được các thành viên ấp ủ từ rất lâu trước khi lên kế hoạch, cùng nhau chạy thử, tìm ra những thiếu sót và đưa ra các phương án giải quyết cho sao cho hợp lý. Để rồi từ đó đi vào hoạt động chính thức như ngày hôm nay.
Lê Nguyễn Kiều Xuyên – đồng sáng lập dự án "Trạm đọc" miễn phí
- Chắc hẳn từ ý tưởng đến hiện thực các bạn gặp nhiều khó khăn, trở ngại?
Khi bắt đầu chạy dự án, nỗi lo lắng nhất đối với tụi em chính là sự đa dạng về đầu sách dành cho người đọc, vì đối tượng “trạm đọc” hướng đến là mọi lứa tuổi nên cần nhiều thể loại để mọi người có thể chọn lựa theo sở thích của bản thân. Rất may trong quá trình thực hiện, số lượng đầu sách được mọi người ủng hộ đa dạng hơn. Ban đầu, tụi em sợ số lượng người hưởng ứng không cao nhưng đến lúc đi vào hoạt động thì người tham gia ngày càng tăng về số lượng cũng như độ tuổi.
- Tại sao là đường đi bộ bên bờ sông Hương mà không phải một địa điểm khác?
Có thể nói rằng những khu công viên, đường đi bộ dọc theo bờ sông Hương là một địa điểm rất lý tưởng. Một nơi không quá ồn ào, thiên nhiên trong xanh và mát lành, lại có nhiều người qua lại, hội tụ đầy đủ các yếu tố cần thiết giúp dự án tương tác nhiều người hơn.
- Có ý kiến cho rằng, “trạm đọc” chỉ hoạt động vào một buổi chiều chủ nhật là quá ngắn, các bạn nghĩ sao, và có dự tính tăng thêm thời gian?
Ngoài chủ nhật, dự án còn tổ chức thêm buổi linh hoạt vào 1 ngày trong tuần tùy vào số lượng nhân sự. Tuy nhiên, do nhân sự bị hạn chế, tụi em sẽ cố gắng sắp xếp để có thể tăng số lượng các buổi nhiều nhất có thể.
"Trạm đọc" miễn phí bên bờ sông Hương của các bạn trẻ lập ra với hy vọng lan tỏa văn hóa đọc
- Thông qua “trạm đọc”, các bạn muốn chuyển tải điều gì đến với mọi người?
“Trạm đọc” không dừng lại lại một điểm dừng chân đọc sách miễn phí, xa hơn tụi em muốn tạo một sân chơi để mọi người có thể giao lưu trao đổi về sách, chia sẻ góc nhìn của mình về một cuốn sách, tạo điều kiện để các bạn không có điều kiện đọc sách đến để giao lưu đọc.
- Đã hai tháng hoạt động, “trạm đọc” được người đi dạo đón nhận như thế nào?
Sau khi dự án hoạt động được 2 tháng, số lượng người quan tâm, ghé đọc sách ngày càng tăng lên đáng kể. Trong đó có những người lớn tuổi đạp xe một chặng đường đến đọc sách. Các em nhỏ cũng được ba mẹ dẫn đến để đọc sách và truyện tranh. Các bạn trẻ quan tâm đến trạm đọc cũng như thời gian trạm đọc hoạt động để ghé lại.
- Từ những quan sát thực tế, bạn đánh giá như thế nào về văn hóa đọc hiện nay?
Theo quan sát, tụi em cảm nhận thấy bạn bè xung quanh ngày càng ít đọc sách hơn, thay vào đó là lướt facebook, tiktok, instagram giải trí. Các bạn đọc báo trên internet nhiều hơn là đọc sách. Trẻ em ngày nay ngày càng bị phụ thuộc vào điện thoại nhiều hơn.
Vì thế, hy vọng mọi người dành thời gian đọc sách. Các bậc phụ huynh cũng nên tranh thủ thời gian để giúp con em mình tiếp cận với sách cũng như các hoạt động liên quan đến văn hóa đọc.
- Về lâu dài, các bạn sẽ định hướng ra sao cho dự án này, và câu chuyện lan tỏa văn hóa đọc đi xa hơn?
Tạm thời tụi em cứ cố định vào ngày chủ nhật để mọi người hình thành thói quen và linh động các ngày trong tuần để lan tỏa dự án hơn. Sắp đến, thay vì đọc sách tại chỗ thì tụi em có thể cho mượn đem về nhà và 1 tuần sau sẽ trả. Để kết nối giao lưu các bạn yêu sách thì tụi em sẽ kết nối với các câu lạc bộ về sách trên địa bàn thành phố để có thể tổ chức các buổi giao lưu trao đổi về sách.
NHẬT MINH (thực hiện)