Một cảng hàng hoá ở Nhật Bản. Ảnh minh hoạ: Reuters/VOV

Straitstimes trích dẫn Sách trắng về Kinh tế và Thương mại quốc tế năm 2020 vừa được Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI) công bố ngày 7/7 nói rằng, nước này sẽ kết nối các quỹ, công nghệ, bí quyết và mạng lưới kinh doanh với một ASEAN đang ngày càng số hóa. “Chúng ta phải xây dựng một hệ thống khó phá vỡ bằng cách định vị chính xác các điểm nghẽn và mua nguyên liệu từ nhiều quốc gia, trong khi đa dạng hóa chuỗi cung ứng cũng sẽ tăng cường an ninh lương thực và năng lượng”, một quan chức cấp cao của METI nhấn mạnh.

Cũng trong Sách trắng vừa phát hành, Nhật Bản kêu gọi sự hợp tác quốc tế sâu rộng hơn để vượt qua sự mất lòng tin đang ngày càng tăng của các hiệp định và thể chế toàn cầu, khi đại dịch đã làm lộ rõ rất nhiều lỗ hổng của chuỗi cung ứng quốc tế và thiếu nguồn lực để đối phó với một cuộc khủng hoảng sức khỏe nghiêm trọng.

Gần đây, Chính phủ Nhật Bản đã khuyến khích các doanh nghiệp của nước này đa dạng hóa chuỗi cung ứng, dịch chuyển các nhà máy sản xuất từ Trung Quốc về nước và đến các nước ASEAN, sau sự cố thiếu hụt nguồn cung khi Trung Quốc ban hành các lệnh đóng cửa hồi tháng 2 do đại dịch COVID-19, làm giảm đến 47% lượng hàng nhập khẩu từ Trung Quốc so với năm ngoái.

Quan chức của METI cũng cho rằng, những công ty Nhật Bản chỉ có dây chuyền sản xuất ở trong nước là không khôn ngoan, do nước này rất dễ bị tổn thương trước các thảm họa thiên nhiên, như cú sốc lớn cho chuỗi cung ứng bởi trận động đất trọng ở miền Đông Nhật Bản năm 2011.

Trong khi đó, giá trị của nền kinh tế kỹ thuật số ASEAN dự kiến ​​sẽ tăng mạnh trong thời gian tới với tầng lớp trung lưu ngày càng tăng. Do vậy, Nhật Bản nên hợp tác chặt chẽ với khu vực ASEAN để thúc đẩy thương mại dựa trên các quy tắc trong lĩnh vực kỹ thuật số, Sách trắng nêu rõ.

Ngoài ra, Sách trắng cũng đề cập đến mối nguy hại khi trong lúc nhu cầu về vật tư y tế đang bùng nổ vì đại dịch, nhiều quốc gia đã áp đặt các hạn chế xuất khẩu đối với các mặt hàng cấp thiết như thiết bị bảo hộ cá nhân và khẩu trang.

Theo số liệu của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), ít nhất 80 quốc gia và khu vực đã thực hiện một số hạn chế xuất khẩu kể từ tháng 4/2020. Điều này có thể nới rộng sự phân chia giàu nghèo và có khả năng làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng, khi các hệ thống y tế ở các nước đang phát triển chưa sẵn sàng để đối phó.

Do vậy, METI nhấn mạnh cần phải tăng cường hợp tác quốc tế và tận dụng công nghệ thương mại điện tử và làm việc từ xa để đối phó với đại dịch. Dù cho rằng việc các nước duy trì tình trạng y tế khẩn cấp trong thời gian bình thường là không khả thi, nhưng METI kêu gọi các chính phủ phải có kế hoạch kinh doanh liên tục để đảm bảo nguồn cung ổn định và không bị ảnh hưởng bởi chính trị quốc tế.

TỐ QUYÊN

(Lược dịch từ Straitstimes)