Sự dễ dãi trong việc kinh doanh loại hình ẩm thực này ở một số nơi đã làm rẻ hóa một thương hiệu. Hay nói một cách khác, chính sự dễ dãi đã như một vi rút lây lan và làm ảnh hưởng đến việc tổ chức cơm vua cung đình, vốn được các nhà hàng cơm vua khác tổ chức một cách bài bản và chăm chút kỹ lưỡng. Dân gian có câu “con sâu làm rầu nồi canh” nhưng sâu nhiều quá, hoặc to quá, thì sẽ có lúc chả ai muốn dùng món canh đó nữa vì chỉ nói đến nó, người ta chỉ nghĩ đến sự dở, cái không đẹp mắt cùng những nhiêu khê, phiền phức mà nó mang lại.
Từ thực tế hoạt động kinh doanh ẩm thực cung đình Huế hiện đang rất manh mún, chưa thực sự có đầu tàu và chưa có sự giám sát, quản lý về mặt tiêu chí, tiêu chuẩn và những yếu tố liên quan khác, có thể nhận thấy, người kinh doanh có vẻ như chỉ cần ghi vào thực đơn của mình một món hàng mà bất biến hệ quả của nó như thế nào. Nhất là khi kiểu gì thì có cơm vua ấy. Đó là một cách làm thiếu cân nhắc, không được định hướng và đang theo kiểu “sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi”.
Xây dựng và giữ gìn một thương hiệu không phải là điều dễ dàng. Có khi người/nhà kinh doanh phải mất hàng chục năm với một chiến lược dài hơi và cụ thể để thương hiệu ấy được khách hàng biết, chấp chận, mến mộ, yêu thích...Ngay cả việc xử lý các sự cố hay khủng hoảng thông tin cũng phải được hoạch định, tính toán để làm thế nào ít ảnh hưởng đến thương hiệu nhất vì điều đó quy định doanh thu, sự tồn tại hay mất đi của một nhãn hàng, một thương hiệu...Thực tế có những thương hiệu đã biết cách chuyển thất bại sang thành công với sự vào cuộc của cả một hệ thống, sự tham vấn của các chuyên gia. Thế nhưng, con số này không phải là nhiều trong thế giới rộng lớn, đa dạng với tốc độ chuyển tải thông tin nhanh đến chóng mặt.
Thế nên, sự lỏng lẻo, cẩu thả đến mức không thể chấp nhận được trong việc kinh doanh loại hình ẩm thực cung đình này nếu không được chấn chỉnh thì nó sẽ như một vết dầu loang, ngày một rộng hơn, dù chưa thể cháy ngay được nhưng thị phần sẽ dần thu hẹp lại và sẽ là áp lực lớn cho những người kinh doanh chân chính, không chỉ vì cái ngon, cái đẹp, cái tinh túy mà còn vì những gì đã được tạo dựng trong chiều sâu của một dòng chảy văn hóa...