Các đại biểu tham dự tại điểm cầu Thừa Thiên Huế

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai chủ trì tại điểm cầu Trung ương. Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bùi Thanh Hà chủ trì tại điểm cầu Thừa Thiên Huế.

Khai mạc hội nghị, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai cho biết, từ năm 2014-2019, các tổ hòa giải cơ sở trên cả nước đã tiến hành hòa giải 875.312 vụ, việc; trong đó, hòa giải thành công 707.945 vụ, việc (đạt tỷ lệ 80,9%); hòa giải không thành 167.367 vụ, việc.

Số lượng các vụ, việc không phải đưa ra giải quyết tại cơ quan Nhà nước đã tiết kiệm được thời gian, công sức, tiền của cho Nhân dân; giảm tải công việc cho các cơ quan tư pháp và giảm bớt gánh nặng chi tiêu cho ngân sách. Hòa giải là để giải quyết xích mích giữa các cá nhân, gia đình trong cộng đồng dân cư…

Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn ghi nhận và đánh giá cao những kết quả đã đạt được của công tác hòa giải trong thời gian qua.

Đồng thời khẳng định, hòa giải là việc làm đúng đắn và rất cần thiết; góp phần giải quyết kịp thời, tận gốc các mâu thuẫn, tranh chấp trong gia đình, cộng đồng; giữ gìn đoàn kết, ổn định và đồng thuận xã hội; hạn chế vi phạm pháp luật, tội phạm, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội; giảm áp lực cho các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị.

“Tuy nhiên, vẫn còn gần 20% số vụ hòa giải chưa thành công, nhất là trong cuộc sống hàng ngày, từ trong gia đình, cơ quan, tổ chức đến ngoài xã hội. Để việc hòa giải được hiệu quả, kết quả tốt hơn, cần có cách thức giải quyết sao cho dung hòa được lợi ích giữa cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức và xã hội.

Mỗi cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, phải tự coi mình là một hòa giải viên”, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn chỉ đạo.

Muốn vậy, trách nhiệm của bí thư, chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn và tại mỗi khu dân cư phải giải quyết mâu thuẫn thấu tình đạt lý ngay từ cơ sở. Như vậy, Luật Hòa giải ở cơ sở; Nghị quyết của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị; Nghị định của Chính phủ và các hướng dẫn của các ban, bộ, ngành, đoàn thể về hòa giải mới luôn được phát huy.

Tại Thừa Thiên Huế, thời gian qua, nhiều vụ việc được hòa giải thành công nhờ vào vai trò của lực lượng nòng cốt, người tiêu biểu, có uy tín ở cộng đồng dân cư, nhất là đội ngũ già làng, trưởng bản, người am hiểu về pháp luật.

Nhờ vậy, mối đoàn kết luôn được giữ vững; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội luôn được kiểm soát; đời sống Nhân dân không ngừng tăng lên.

Tin, ảnh: Anh Phong