Chuyện bắt đầu từ thông tin được người dân chuyển tải lên Hue-S và mạng xã hội. Theo đó, có đoàn thực khách đến ăn sáng ở một quán bún trên đường Lê Huân, Huế. Sau khi ăn, chủ quán đã “chặt chém” với giá 60.000 đồng/tô bún. Từ thông tin trên, lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo cơ quan chức năng, cụ thể ở đây là Cục quản lý thị trường xác minh, xử lí. Sau khi xác minh, Cục này đã lập biên bản xử phạt chủ quán bún vì lỗi mà nhiều quán xá mắc phải. Đó là lỗi “không niêm yết giá hàng hóa tại điểm phải niêm yết giá theo đúng quy định pháp luật” (?!)

Thông tin này đưa ra không thỏa mãn được cơn khát của dư luận. Bởi thông tin ban đầu chỉ cho thấy đoàn thực khách 120 người vào quán ăn bún, và được chủ quán tính giá 60 nghìn đồng/tô. Ngoài ra không ai biết tô bún đó có những gì, lượng thịt nhiều ít ra sao... Có người còn “ngái ngủ” kiểu: Huế chỉ 30- 40 nghìn đồng/tô là nhiều, sao có tô bún 60.000 đồng, rồi vội kết luận là “chặt chém”... Từ đó, dư luận chia làm hai nhóm, tranh cãi kịch liệt trên một số diễn đàn.

Trong trần tình của mình, chủ quán bún giải thích quán có niêm yết giá, trong đó có nội dung tô đặc biệt heo là 60 nghìn đồng, đặc biệt bò là 50 nghìn đồng. Tuy nhiên, quán viết chữ “đồng” bằng chữ “k” và điểm niêm yết giá chưa đúng như quy định nên đã nhận lỗi.

Trước thông tin được cơ quan chức năng cung cấp cho báo giới nhưng chưa rõ ràng, chiều 14/7, người viết đã liên hệ Cục Quản lí thị trường tỉnh để hỏi thêm. Trong buổi làm việc kéo dài gần 40 phút, ông Quyền cục trưởng Cục Quản lí thị trường tỉnh rất thận trọng, thậm chí là cố không nhắc đến từ “chặt chém”, bởi từ này không có trong quy định xử phạt của ngành. Mà ngành - theo ông nói là chỉ làm những điều đã được pháp luật qui định. Theo đó, pháp luật chỉ qui định xử phạt hành vi bán giá cao hơn giá đã niêm yết.

Trong khi đó, thông tin từ đoàn khách đưa ra thiếu thống nhất (lúc hơn 60 tô, lúc 120 tô), không có hóa đơn tính tiền của quán, và đặc biệt là quán không thực hiện niêm yết giá theo đúng quy định nên chưa đủ cơ sở để kết luận quán đó có “chặt chém” - theo từ dân gian, hay nói cách khác là “bán cao hơn giá đã niêm yết” hay không. Đó là chưa kể, trên lĩnh vực kinh doanh thực phẩm, việc kết luận bán cao hay thấp hơn giá niêm yết là vô cùng khó, nếu không có hình ảnh đi kèm.

Tuy vậy, với trách nhiệm xác minh nguồn tin phản ánh, tố cáo theo chỉ đạo, trong trường hợp này Cục Quản lí thị trường cần phải có văn bản báo cáo cụ thể với lãnh đạo tỉnh, với đơn vị đã tiếp nhận phản ánh qua công cụ Hue-S, thay vì đưa ra quyết định xử phạt, để trả lời người phản ánh, trong đó phải đi thẳng vào vấn đề có hay không có việc “chặt chém” tại quán bún trên đường Lê Huân. Sau khi có báo cáo này, các cơ quan nói trên mới công bố cho truyền thông để tuyên truyền, răn đe, nhắc nhở.

Trong trường hợp chưa đủ cơ sở để kết luận, xử lí, cơ quan chức năng cũng phải trả lời rõ “chưa đủ cơ sở để kết luận”, trước khi đưa thông tin xử phạt cơ sở kinh doanh vì một hành vi khác. Điều này không chỉ giúp việc xử phạt được rõ ràng, minh bạch, mà nó còn giúp làm rõ, định hướng được dư luận theo đúng bản chất sự việc. Tránh vấn đề bị đẩy, khai thác theo hướng sai lạc, gây ảnh hưởng tiêu cực đến cá nhân, tập thể bị tố cáo, phản ánh mà chưa được làm rõ.

Cũng cần nói thêm, sau dịch COVID-19, các hộ kinh doanh đều đang gắng gượng vượt qua khó khăn để khôi phục sản xuất. Nói thế, không có nghĩa là chúng ta chấp nhận những hành vi kinh doanh, thu lợi bất chính. Nếu phát hiện cơ sở nào kinh doanh không đúng pháp luật thì phải xử lí nặng, thậm chí có thể rút phép hoạt động, khởi tố điều tra. Tuy nhiên, cũng sẽ gây thiệt hại cho nền kinh tế và cả uy tín của chính mình nếu cơ quan chức năng xử lí công việc thiếu rõ ràng, còn cả nể, né tránh và đặc biệt là ngại va chạm với đám đông, dư luận để bảo vệ điều đã được pháp luật bảo vệ.

Dương Quang Tiến