ClockThứ Năm, 30/06/2011 11:17

Món ngon Huế trên đất Sài thành

TTH - Nếu gặp một người Huế nào đó ở vào lứa tuổi trung niên hoặc già hơn mà hỏi: “Bún bò Huế nơi mô là ngon nhất?”. Chắc chắn sẽ có hơn 90% trả lời là: “Bún bò mụ Rớt”. Sau khi mệ Rớt qua đời, những người yêu mến tô bún bò của mệ đều tiếc rẻ: Món bún bò nổi tiếng của mệ chắc cũng đã thất truyền... Ít người biết rằng, hiện con gái của mệ Rớt, chị Lê Thị Thanh đang sống ở thành phố Hồ Chí Minh đã cùng chồng là họa sĩ Kim Long, mở một nhà hàng Huế ngay giữa đất Sài thành.

Nhà hàng Huế Kim Long tọa lạc tại số 80/68 Trần Quang Diệu, thành phố Hồ Chí Minh. Vừa bước chân vào quán, thực khách đã cảm nhận được ngay một không gian đậm chất Huế, nhỏ nhưng khá thoáng mát và tươm tất. Quán được gia chủ bài trí theo phong cách kiến trúc cung đình. Phía sau nhà hàng, gia chủ đã tận dụng mảnh đất nhỏ để xây dựng một khu vườn xanh mát, có cây cỏ, hòn non bộ theo thuật phong thuỷ.


Kể về nguồn cội của quán, chị Thanh cho biết, quán được hai vợ chồng chị xây dựng từ trước năm 1975, sau một thời gian dài làm đủ mọi nghề để kiếm sống. Mong ước của chị khi mở quán rất đơn giản, vừa kiếm kế sinh nhai vừa giữ được nghề gia truyền và giới thiệu đến bạn bè bốn phương món ăn truyền thống xứ Huế. Tô bún bò Huế chị Thanh nấu cũng ngon như người mẹ thuở nào và được nhiều thực khách khen ngợi. Không chỉ dừng lại ở bún bò, chị còn chế biến tất cả các món ăn Huế như: cơm trái dừa, cơm hấp lá sen, cơm hến, bánh canh, bánh lọc, bánh nậm, bánh bèo, bánh ướt, bánh khoái, vả trộn, thịt phay tôm chua, nem lụi, nem chua, tré, chả tôm, các loại rau sống, rau khoai, rau dền chấm mắm ruốc, mắm tôm, mắm rò… Các món ăn ở quán Kim Long đặc biệt ngon bởi nó được dùng chung với loại ớt tương do chính gia chủ sản xuất. Ăn các món Huế mà không có loại ớt này chắc chắn sẽ mất đi phần thi vị. Loại tương ớt này chị Thanh cũng học từ người mẹ quá cố.

Hiện nay, ở thành phố Hồ Chí Minh xuất hiện rất nhiều quán ăn Huế. Tuy nhiên, nhiều quán đã nêm nếm, thêm bớt gia vị cho hợp khẩu vị của người miền Nam. Riêng quán Kim Long lại khác. Tất cả các món ăn đều giữ đúng hương vị Huế. Đây chính là lý do mà quán luôn luôn đông khách. Nếu thực khách Phương Nam tìm đến quán Huế để thưởng thức món ngon, vị lạ thì với những người Huế xa quê, quán Kim Long là nơi chốn để tìm về kỷ niệm xưa, để cảm nhận hương vị quen thuộc và để thấy gần Huế hơn. Lần đầu khách có thể không quen với vị cay, mặn của món ăn Huế, nhưng dần dần đâm ghiền, thậm chí chọn quán Kim Long làm nơi ăn trưa hàng ngày sau giờ tan sở. Một điều đặc biệt, ở quán Kim Long, từ chủ nhân cho đến nhân viên phục vụ, tất cả đều là người Huế, nói giọng Huế, dạ thưa nhẹ nhàng...

Nói về bí quyết để có những món ăn ngon, họa sỹ Kim Long cho biết: hầu hết các món ăn đều sử dụng nguyên liệu chế biến được đưa từ Huế vào bằng máy bay ngay trong ngày. Không chỉ chú ý đến nguyên liệu, các món ăn trong quán đều do đích thân chị Thanh nấu. Việc chế biến, bày biện được chị rất mực chú trọng. Các món ăn được trình bày đẹp mắt với sự hoà hợp của nhiều màu sắc. Mỗi món ăn được dọn rất ít ra dĩa để thực khách có thể cùng lúc thưởng thức được nhiều món Huế và cũng để thực khách hiểu hơn về văn hóa ẩm thực của người Huế là chia thành 3 bậc: Khẩu thực, nhãn thực và tâm thực.
Trong không gian ấm cúng của quán Kim Long, trên các bức tường, chủ nhân treo những bức tranh mình đã vẽ. Những bức tranh này chủ nhân từng đem về Huế, tham gia triển lãm tại các kỳ festival. Sau những tháng năm bôn ba với cuộc sống và dốc hết tâm sức cho nhà hàng Kim Long, anh trở lại với hội họa, niềm yêu thích của anh từ thưở nhỏ. Đây cũng là cách để họa sỹ Kim Long hồi tưởng lại những ký ức tuổi thơ và thả hồn thong dong trong những lúc quán vãn khách. Chính những thực khách của quán Kim Long cũng cảm thấy vô cùng thú vị khi được thưởng thức những món ngon trong một không gian lãng mạn và giàu tính nghệ thuật ấy.
Lý Hạnh
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hỗ trợ phương tiện nghe nhìn cho hộ nghèo

Với mục tiêu hỗ trợ cho người nghèo tiếp cận thông tin, thúc đẩy chuyển đổi số trong giảm nghèo, tỉnh Thừa Thiên Huế đã có chính sách hỗ trợ phương tiện nghe nhìn phục vụ tiếp cận thông tin với mức hỗ trợ là 3.000.000 đồng/hộ.

Hỗ trợ phương tiện nghe nhìn cho hộ nghèo
Đào tạo mới gần 100 nhân viên thu bảo hiểm

Hoạt động trên vừa được Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh tổ chức nhằm mở rộng hệ thống đại lý thu BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), phục vụ mục tiêu thực hiện BHXH toàn dân trên địa bàn.

Đào tạo mới gần 100 nhân viên thu bảo hiểm
Nhân lên ý nghĩa mùa Phật đản

Đại lễ Phật đản không chỉ mang màu sắc văn hóa tâm linh từ bao đời nay, mà đó còn là ngày kỷ niệm mang ý nghĩa thiêng liêng trọng đại đối với toàn thể tín đồ Phật giáo. Và ý nghĩa đó còn được nhân lên khi Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) tỉnh, Ban Tổ chức Đại lễ tổ chức nhiều hoạt động thiện nguyện hướng về người nghèo, gia đình có công trên toàn tỉnh... trong Tuần lễ Phật đản Phật lịch 2568 - DL.2024.

Nhân lên ý nghĩa mùa Phật đản
Sợi rơm vàng sau mùa gặt

Chiều muộn, đi làm về chạy ngang qua cánh đồng thôn Tây Trì Nhơn (Phú Thượng, TP. Huế) thấy một số bác nông dân còn loay hoay với những đống rơm giữa ruộng lúa vừa mới gặt lòng tôi lại nao nao khó tả. Những ký ức về tuổi thơ cứ thế ùa về. Đó là ký ức về những ngày ra đồng gặt lúa, về mùi thơm của những sợi rơm khô, những buổi chạy mưa khi cùng ba mạ phơi rơm, xây rơm ...

Sợi rơm vàng sau mùa gặt
Chùa trong mỗi người

Tôi ngồi cạnh, dường như nghe hết cả câu chuyện, mẹ chia sẻ nỗi lo bệnh tật và lắng nghe lời khuyên của vị sư già. Trông mẹ thật thành khẩn và chăm chú

Chùa trong mỗi người

TIN MỚI

Return to top