Tại tọa đàm, cuốn sách “Hồi ức về kinh thành Huế đầu thế kỷ XIX” đã được ra mắt độc giả ở Huế
Với sự tham gia của các diễn giả: dịch giả Lê Đức Quang, nhà nghiên cứu Trần Đình Hằng và TS. Nguyễn Mạnh Hùng, buổi tọa đàm thu hút sự quan tâm của các nhà nghiên cứu, những người yêu văn hóa Huế.
Các diễn giả đã chia sẻ nhiều thông tin thú vị về những câu chuyện Huế từ thời chúa Tiên Nguyễn Hoàng, những cải cách canh tân đất nước thời Vũ Vương Nguyễn Phúc Khoát đến những dấu ấn văn hóa đậm nét được hình thành thời các vua Nguyễn, sự giao thoa Pháp - Việt trong văn hóa, giáo dục…
Các nhà nghiên cứu cũng khẳng định, những dấu ấn riêng biệt của văn hóa Huế đến nay vẫn còn nguyên giá trị, từ cách giáo dục con cái đến văn hóa ứng xử, cá tính của con người Huế… Những điều khác biệt ấy cần được gìn giữ để văn hóa Huế luôn được bồi đắp, phát huy.
Nhiều ý kiến cũng kêu gọi mọi người cùng tham gia xây dựng “tủ sách Huế” để giới thiệu, quảng bá văn hóa Huế, phát triển văn hóa đọc.
Dịp này, Phân Viện Văn hóa nghệ thuật Quốc gia tại Huế giới thiệu đến độc giả cuốn sách “Hồi ức về kinh thành Huế đầu thế kỷ XIX” của Michel Đức Chaigneau, do dịch giả Lê Đức Quang dịch và chú giải, đã ra mắt trước đó tại Hà Nội. Cuốn sách ghi lại những ký ức về diện mạo của kinh thành Huế xưa và vùng lân cận, với toàn bộ đời sống sinh hoạt từ hoàng cung cho tới làng quê bình thường.
Chương trình cũng tổ chức đấu giá ấn bản Trúc chỉ “Hồi ức về Kinh thành Huế đầu thế kỷ XIX”. Toàn bộ số tiền đấu giá 32 triệu đồng được dùng để ủng hộ cho quỹ Văn hóa Huế.
Tin, ảnh: Minh Hiền