Rừng ngập mặn quan trọng với cuộc sống và sinh kế của người dân ASEAN. Ảnh minh họa: Dân trí
Hiện các nước trong khu vực ASEAN chỉ còn khoảng 43.000km2 diện tích rừng ngập mặn.
Trung tâm ACB đưa ra thông tin này nhằm nhắc nhở công chúng về tầm quan trọng của rừng ngập mặn và giá trị của công tác tăng cường xử lý nạn phá rừng ngập mặn.
ASEAN chiếm 42% tổng diện tích rừng ngập mặn trên thế giới, nơi cung cấp môi trường sinh sản quan trọng cho khoảng 75% các loài cá trong đại dương.
Ngoài việc hỗ trợ hệ thống thực phẩm của thế giới, rừng ngập mặn được xem là “người bảo vệ hành tinh” chống lại hậu quả thảm khốc của biến đổi khí hậu. Rừng ngập mặn có thể lưu trũ lượng Carbon gấp 10 lần so với hệ sinh thái trên cạn. Cùng với đó, hệ thống rễ chuyên dụng đã biến chúng thành vùng đệm tự nhiên ở các khu vực ven biển.
Rừng ngập mặn cũng giảm thiểu tác động của sóng và gió mạnh, giúp giảm sói mòn và nhiều yếu tố khác ảnh hưởng đến các cộng đồng ven biển.
Ở một số quốc gia ASEAN, đơn cử như Campuchia, rừng ngập mặn ở đây suy giảm phần lớn do khai thác gỗ. Tuy nhiên trong những năm qua, các quan chức chính phủ, tổ chức xã hội dân sự và cộng đồng đã tích cực làm việc cùng nhau để trồng lại rừng ngập mặn, đặc biệt là ở tỉnh Kampot.
“Với sự thúc đẩy hành động của chính phủ, giờ đây người dân hiểu rằng rừng ngập mặn rất quan trọng đối với con cháu và sinh kế của họ. Người dân có thể kiếm thu nhập bằng cách bắt tôm, cua, cá... và có thể kiếm ít nhất 7USD – 10USD/ngày”, nhà sinh vật học Leng Phalla nhấn mạnh.
Ở Campuchia, hoạt động trồng rừng ngập mặn đã được tiến hành từ năm 1995. Trong giai đoạn 2008 – 2020, gần 400.000 cây rừng ngập mặn đã được trồng ở những khu vực chưa có cây ngập mặn phát triển.
Trong một thông tin có liên quan, giới chuyên gia cho biết một số lý do làm giảm diện tích rừng ngập mặn có thể kể đến bao gồm phát triển nhà ở và biến đổi khí hậu.
Đan Lê (Lược dịch từ Jakarta Post)