Chuyện khởi đầu cách nay hơn 100 năm khi vào tháng 11/1918, Dàn nhạc Kèn hơi nhà binh Pháp, dàn nhạc kèn hơi đầu tiên tại Việt Nam được thành lập tại Huế. Năm 1919, vua Khải Định cũng thành lập riêng một dàn nhạc kèn hơi theo kiểu Pháp, nhằm mục đích đối ngoại, phục vụ cho các nghi lễ do Triều đình tổ chức. Sang năm 1920, đội kèn đồng của lính Khố xanh Huế ra đời. Ngoài phục vụ nghi lễ do Pháp tổ chức, Dàn nhạc Kèn còn thường xuyên tiến hành các buổi hòa nhạc vào chiều Chủ nhật tại Nhà Kèn trước Tòa Khâm sứ Huế (Trường đại học Sư phạm Huế nay).

Dàn nhạc kèn hơi ở Huế bấy giờ thường được mời đi biểu diễn trong các sự kiện lớn, như: biểu diễn tại Hội chợ Đấu xảo ở Hà Nội (năm 1922), biểu diễn ở Sài Gòn nhân dịp khánh thành đường sắt (năm 1930). Đặc biệt vào năm 1931, dàn nhạc kèn hơi của Huế, đại diện cho Việt Nam biểu diễn tại Hội chợ Quốc tế Paris. Đây là lần đầu tiên, Việt Nam có dàn nhạc kèn hơi đi biểu diễn quốc tế. Đặc biệt, chiều 30/8/1945, lễ thoái vị của Bảo Ðại tổ chức tại Ngọ Môn, có sự góp mặt của dàn nhạc gồm 130 nhạc công kèn hơi.

Tròn đúng 100 năm Dàn nhạc Kèn hơi xuất hiện tại Huế, Câu lạc bộ Kèn Huế được thành lập vào ngày 3/9/2018 gắn liền với nhạc sĩ Lê Quang Vũ, một người Huế xa quê, hiện là Phó Chủ tịch Hội Âm nhạc thành phố Hồ Chí Minh. Ở nước ta hiện nay, nhắc đến tác phẩm khí nhạc, một trong những nhạc sĩ có tác phẩm được giới chuyên môn đánh giá cao là Lê Quang Vũ. Ngay cuối năm 2018, câu lạc bộ Kèn Huế được công nhận là thành viên trực thuộc Hội Âm nhạc Huế và từ đó đến nay, câu lạc bộ có 40 thành viên.

Người Huế tự hào là một trong 3 địa phương, cùng với Hà Nội và Hải Phòng có nhà Kèn. Chính trên sân khấu nghệ thuật này, khán giả Huế lần đầu tiên tiếp xúc với các tác phẩm của các nhạc sĩ cổ điển lừng danh thế giới cùng những bài hát “nhạc tây, lời ta”. Cũng ở không gian văn hóa này, lần đầu tiên những giai điệu cách mạng vang lên sau ngày quê hương giải phóng. Tại các kỳ Festival Huế, nhiều chương trình nghệ thuật đặc sắc được trình diễn nơi đây. Đặc biệt vào năm 2011, dàn nhạc của Học viện Âm nhạc đã tổ chức biểu diễn hàng tuần vào thứ bảy và chủ nhật ở nhà Kèn, thu nhiều du khách và khán giả mến mộ.

“Kèn Huế từng ghi dấu ấn trong ký ức văn hóa Huế, nó phải được phục hồi để tiếp tục góp sức trong việc xây dựng Huế - thành phố di sản” là ý kiến tâm huyết của Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ. Còn trong bối cảnh tuyến phố đi bộ Lê Lợi, trong đó có Công viên 3/2 được xây dựng thành không gian văn hóa ven sông Hương, sẽ giúp nhà kèn Huế, cùng với sự ra đời và trưởng thành của Dàn nhạc Kèn Huế, khôi phục lại tầm vóc của địa chỉ văn hóa lâu đời trên đất Cố đô, mang đến sự sôi động cần có cho Huế, một thành phố văn hóa và du lịch.

Đan Duy