Theo bài viết, Việt Nam đã nhiều lần chứng minh khả năng tổ chức các diễn đàn khu vực quan trọng và thậm chí các cuộc gặp cấp cao có ý nghĩa toàn cầu, như Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều đầy thách thức tại Hà Nội năm ngoái.

Tác giả bài viết cho rằng đây là bước tiến đáng chú ý khi mà Việt Nam mới chỉ thoát khỏi sự bao vây cô lập và bình thường hóa quan hệ với Mỹ và gia nhập ASEAN vào giữa những năm 1990.

Trang mạng Foreignpolicy nêu rõ thực tế cho thấy các biện pháp đối phó "ấn tượng" của Việt Nam với dịch bệnh COVID-19 đến thời điểm hiện nay đã giành được nhiều sự tôn trọng và công nhận từ các nước láng giềng, bao gồm cả các nước phát triển hơn như Singapore, Thái Lan và Malaysia.

Các nhà kinh tế từ Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự đoán rằng Việt Nam có các cơ hội cao nhất trong khu vực để thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế thời kỳ hậu COVID-19 trong một trạng thái tương đối tốt hơn.

Đây là một sự chuyển đổi quan trọng về vị trí của Việt Nam trong ASEAN, vốn được coi là nước đến sau trong nền kinh tế thị trường.

Về mặt ngoại giao, Việt Nam đã và đang đảm nhiệm một vai trò quan trọng hơn trong ASEAN. Bài báo nhấn mạnh Việt Nam rất coi trọng các quy tắc của ASEAN và duy trì chính sách đối ngoại nhất quán và đã đẩy mạnh xã hội hóa các quy tắc này đối với các thành viên mới hơn.

Theo trang mạng “Foreignpolicy”, trong bối cảnh cuộc khủng hoảng đang bao trùm thế giới, mục tiêu chính của năm Chủ tịch 2020 của Việt Nam là duy trì sự thống nhất và đoàn kết của ASEAN.

Những kỳ vọng lớn từ các nước thành viên ASEAN khác và các đối tác đối thoại đã phản ánh mức độ tin tưởng vào năng lực ngoại giao của Việt Nam. 

Theo TTXVN/Vietnam+