Duy trì điểm mạnh của những hạn chế đị lại sẽ giúp thế giới xanh hơn. Ảnh minh họa: Sài Gòn Giải Phóng Online
Giảm khí thải
Đầu tiên là giảm lượng khí thải của ngành công nghiệp hàng không và nhiều loại khí thải liên quan khác.
Trên toàn cầu, di chuyển bằng đường hàng không chiếm khoảng 12% lượng phát thải nhà kính của ngành giao thông vận tải và con số này được dự đoán sẽ còn tăng lên. Chính vì lý do này, việc giảm đi lại liên tục bằng đường hàng không sẽ hỗ trợ giảm phát thải nhà kính.
Cùng với đó, yêu cầu phong tỏa các nước cũng đồng nghĩa với việc ít đi lại bằng đường bộ hơn, nhờ đó dẫn đến lượng khí phát thải từ các phương tiện giao thông đường bộ giảm đi đáng kể, chất lượng không khí cũng sẽ sạch hơn ở nhiều quốc gia, đặc biệt là tại các thành phố.
Để minh chứng rõ hơn, theo dữ liệu thống kê trích từ nghiên cứu mới nhất, vào đầu tháng 4 vừa qua, lượng khí thải Carbon Dioxide hằng ngày trên toàn thế giới đã giảm 17% so với cùng kỳ năm 2019. Gần ½ của mức giảm này được tạo nên nhờ những sự thay đổi trong giao thông đường bộ.
Cũng trong nghiên cứu này, các chuyên gia ước tính đại dịch có thể làm giảm 4% lượng khí thải toàn cầu (nếu thế giới có thể bình thường hóa như trước đại dịch vào thời điểm giữa năm) và giảm đến 7% (nếu các hạn chế vẫn còn hiệu lực đến cuối năm 2020).
Tuy nhiên, cần phải nhận định rõ rằng mặc dù đại dịch COVID-19 có thể làm lượng khí thải giảm đi đáng kể, nhưng vẫn còn một chặng đường rất xa để lật ngược tình thế, bởi biến đổi khí hậu không thể chỉ được ngăn chặn bởi COVID-19. Do đó, diễn biến tích cực của biến đổi khí hậu phụ thuộc hành động của chính phủ các nước khi nền kinh tế phục hồi, bởi chúng sẽ ảnh hưởng lâu dài đến tiến trình và mức độ thải khí Carbon Dioxide của thế giới trong nhiều thập kỷ.
Vẫn không ngừng cố gắng
Ở nhiều quốc gia, các chính phủ đang thực hiện nhiều kế hoạch nhằm tiếp tục giữ lại một số điểm mạnh trong các yêu cầu hạn chế về giao thông. Điều này bao gồm phân cách làn đường cho người đi bộ và người đi xe đạp, từ đó khuyến khích mọi người chuyển sang di chuyển bằng xe đạp nhiều hơn. Chính sách này hiện đang được triển khai rộng rãi ở Pháp và Anh.
Ngoài ra, còn có một số sáng kiến được đưa vào sử dụng nhằm khử Carbon bằng cách thay thế các phương tiện hoạt động bằng nhiên liệu hóa thạch thành phương tiện chạy bằng nhiên liệu điện thân thiện với môi trường.
Ở New Zealand, những người dùng xe điện sẽ được miễn thu phí sử dụng đường bộ và hiện chính phủ nước này cũng đang tìm cách tăng mức tiêu thụ nhiên liệu thay thế trong ngành vận tải hàng hóa đường bộ của đất nước...
Nhìn chung, có thể nói, tác động của các lệnh phong tỏa, hạn chế đưa ra bởi COVID-19 đối với biến đổi khí hậu có thể kéo dài bao lâu, điều này tùy thuộc vào mức độ chúng ta muốn duy trì những chính sách thay đổi tạm thời và biến chúng thành quy chuẩn đi lại để giúp thế giới “xanh” hơn.
Hạnh Nhi
(Lược dịch từ CNA & World Economic Forum)