Em đến mời một người mua, gương mặt tỏ ra van nài và đau khổ. Một người nhìn em lắc đầu, có ý không mua. Em không nói gì, cứ đứng thế, tay chìa phong kẹo cao su ra trước mặt, ngần ngừ một lúc, người trung niên nọ rút cho em 2.000 đ nhưng không mua kẹo. Em không nhận, vẫn cứ đứng vậy. Cuối cùng anh ta cũng mua cho em một phong, 5.000đ.
Ở đây có mấy chuyện cần trao đổi.
1.Một số thông tin trên mạng cho biết, có những loại kẹo cao su trôi nổi, giá chỉ 1.000đ một phong. Nếu đây thật là loại kẹo cao su này thì, khó có thể nói nó đảm bảo chất lượng. Và thế là em gái này đã không thật thà ngay từ công việc mình làm. Em không nhận tiền của người đàn ông kia cho không phải là em “sòng phẳng” - chú có mua con mới lấy tiền, mà rõ ràng việc bán kẹo thu được nhiều tiền hơn là nhận tiền cho.
Tôi quan sát nhiều lần và thấy, rất nhiều người mua giúp cho em. Không phải suy diễn nhưng đó có lẽ nó cũng hợp với những diễn biến tâm lý bình thường của nhiều người. Ban đầu là họ không muốn mua, chưa hẳn là tiếc tiền nhưng là sự ái ngại, nếu mình mua thì sẽ “tiếp tay” cho đứa bé lớn bồng đứa bé nhỏ đi suốt ngày. Nhưng nếu không mua thì cũng áy náy trong lòng, dù gì thì gì nhưng đứa bé nhỏ được bồng trên tay kia vẫn đáng để được giúp đỡ, ừ thì vài ngàn chẳng đáng là bao. Có phải em bé gái kia đã “nắm” được tâm lý này nên tận dụng. Tội cho em bé gái một phần, nhưng thương cho đứa nhỏ được bồng bế kia nhiều phần. Vì rõ ràng ở đây em là một cái cớ để lợi dụng !?
Nếu như chúng ta, nhiều người, không “mua ủng hộ”, hoặc giả là “mua cho xong” thì chắc chắn đứa con bé nhỏ kia sẽ không bị lợi dụng. Nếu có bán thì em bé gái chỉ đi một mình, đó đơn thuần là mua bán. Nhưng ở đây nhập nhằng giữa chuyện mua bán và rũ lòng thương. Và thế là có người thứ ba, là em bé nhỏ bị kéo theo, trong khi em chưa hề có ý thức gì.
Lê Phương