Ru con bằng... nhạc trên máy
Chị Nguyễn Thị Thanh Nhàn, 25 tuổi (đang trọ tại đường Bà Triệu, TP Huế), chia sẻ: “Tôi và chồng cùng quê ở Phong Điền, đang làm việc tại thành phố, chưa có nhà nên vợ chồng thuê trọ để ở. Thú thật là tôi không biết hò để ru con, đêm nào vợ chồng tôi cũng bật điện thoại lên mở những bài hát thiếu nhi để bên nôi cho con ngủ.
Tiếng hò ru thể hiện tình cảm của người bà, người mẹ… đối với đứa bé.
|
Nhiều bà mẹ trẻ hiện nay không dám hò để ru con còn vì ngại với mọi người xung quanh. Chị Trần Thị Minh Ngọc, 20 tuổi (một bà mẹ trẻ, trú đường Lê Quý Đôn), kể: “Bữa nay, ai mà hò ru con nữa, tối nào con khóc thì em hát mấy bài nhạc mà em thuộc cho con nghe. Khi con ngủ rồi thì em mở nhạc để con ngủ sâu giấc hơn.
Không riêng gì những bà mẹ trẻ ở thành phố, ở nông thôn, tiếng hò ru con ngày càng ít đi. Rải rác một số nhà có nghe tiếng hò ru, nhưng đó không phải là của những người mẹ, mà đó là những người bà, chăm cháu giúp con cái. Bà Lê Thị Thanh (xã Hương Vinh, Hương Trà), tâm sự, cô con gái của bà lấy chồng có đứa cháu hơn một tuổi. Cả hai vợ chồng đi làm ở khu công nghiệp Phú Bài cả ngày nên bà qua nhà chăm cháu. Là một người lớn tuổi nên bà hò rất hay. Tuy nhiên, khi được hỏi con của bà có hò ru được không thì bà cười và bảo: “Đứa con gái của tôi chỉ mở nhạc Xuân Mai cho con nó ngủ, chứ chẳng biết hò gì cả”.
Nhiều biện pháp để bảo tồn
Theo nhận định của nhiều nhà nghiên cứu văn hóa, hò ru con không chỉ thể hiện tâm tư tình cảm của người hò đối với đứa trẻ mà đó là sự giáo dục đầu đời cho đứa bé, thông qua những từ ngữ, lời lẽ của bài hò. Bên cạnh đó, những người anh, người chị của đứa bé trong nôi, khi được nghe mẹ hò ru em ngủ, cùng sẽ có những bài học vỡ lòng đầu tiên. Với những câu từ thể hiện triết lý sống, những lời dạy về đạo làm con người, sự hiếu thảo… được đúc kết qua hàng trăm năm.
Hò ru con mang trong mình những giá trị to lớn, dù khó bảo tồn trong thời đại hiện nay, nhưng không phải không có cách để gìn giữ trong thế hệ hôm nay và mai sau. Nhà thơ Võ Quê cho biết: “Cũng như các loại hình nghệ thuật truyền thống khác, hò ru con cần được bảo tồn. Theo tôi, từng thôn xóm, từng chi hội phụ nữ cần tổ chức những cuộc liên hoan, hội thi về hò ru con. Không chỉ tạo ra sự gần gũi, đoàn kết giúp đỡ nhau, mà quan trọng hơn tiếng hò ru con vẫn được giữ gìn và tồn tại trong mỗi một con người, từng hộ gia đình”.
Cũng theo nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa, việc bảo tồn hò ru con là rất cần thiết, tuy nhiên bảo tồn nguyên vẹn thì rất khó, bởi thế nên giữ gìn hò ru con ở một chừng mực nào đó, như một loại hình âm nhạc truyền thống để dễ dàng duy trì trong đời sống hiện đại.
Đức Quang