Một bệnh nhân nhiễm COVID-19 được các bác sĩ đưa vào bệnh viện. Ảnh: AFP/Tuoitre

WHO luôn thận trọng trong việc đưa ra các ước tính về tốc độ xử lý đại dịch khi chưa có vaccine.

Tổng giám đốc Tedros cho biết, dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918 phải mất 2 năm mới chấm dứt. “Và trong hoàn cảnh của chúng ta hiện nay, virus có cơ hội lây lan tốt hơn, có thể di chuyển nhanh vì chúng ta đã kết nối với nhau nhiều hơn… Nhưng đồng thời chúng ta cũng có công nghệ và kiến ​​thức để ngăn chặn nó. Vì vậy, chúng ta có điểm yếu là toàn cầu hóa, gần gũi, kết nối nhưng lại có lợi thế là công nghệ tốt hơn. Vì vậy, chúng tôi hy vọng sẽ kết thúc đại dịch này trong chưa đầy 2 năm”, ông Tedros nói trong một cuộc họp báo tại Geneva.

Trước tình hình hiện tại, ông kêu gọi "đoàn kết dân tộc" và "đoàn kết toàn cầu", vì đó thực sự là chìa khóa với việc sử dụng tối đa các công cụ sẵn có và hy vọng có thêm các công cụ khác như vaccine.

Theo thống kê của Worldometer, thế giới đã ghi nhận hơn 23,1 triệu người nhiễm COVID-19 kể từ khi nó được xác định lần đầu tiên ở Trung Quốc vào năm ngoái và hơn 803 nghìn người đã tử vong liên quan đến dịch bệnh này.

Ảnh hưởng nặng nề đến kinh tế

Không chỉ là cuộc khủng hoảng sức khoẻ toàn cầu, đại dịch COVID-19 còn khiến các nền kinh tế trên thế giới bị tàn phá nghiêm trọng. 

Các số liệu tài chính mới được công bố cho thấy đại dịch đã gây tổn thất khổng lồ ở Anh, nơi nợ chính phủ lần đầu tiên tăng vượt mức 2.000 tỷ bảng Anh (2,6 nghìn tỷ USD) sau một chương trình vay nợ lớn của nhà nước giành cho các kế hoạch bổ sung và các biện pháp khác để phục hồi và thúc đẩy nền kinh tế đất nước. Bộ trưởng Tài chính Anh Rishi Sunak cho biết, nếu không có sự hỗ trợ đó, mọi thứ sẽ còn tồi tệ hơn nhiều.

Ngay cả Đức, quốc gia nổi tiếng với sự thận trọng về tài chính, cũng đang “thức tỉnh” trước một thực tế mới khi Bộ trưởng Tài chính Olaf Scholz thừa nhận rằng nước này sẽ cần tiếp tục vay nợ ở mức cao trong năm tới để đối phó với sự bùng phát của đại dịch.

Các chính trị gia Tây Âu cũng đang bắt đầu thắt chặt lại các hạn chế để giải quyết tình trạng tái bùng phát dịch COVID-19 khi số ca nhiễm mới đang tăng trở lại.

Trong khi Tây Ban Nha đã phản ứng bằng các biện pháp hạn chế và Đức ban hành các hướng dẫn du lịch cập nhật, đưa Brussels vào danh sách các khu vực rủi ro, thì Vương quốc Anh hiện đang theo dõi các cụm dịch ở miền bắc đất nước và một số thị trấn có thể sẽ sớm đối mặt lại với tình trạng phong toả.

Bộ trưởng Y tế Matt Hancock cho biết: “Để ngăn chặn đỉnh dịch thứ hai và giữ COVID-19 trong tầm kiểm soát, chúng tôi cần can thiệp mạnh mẽ và có mục tiêu ở những nơi có sự gia tăng đột biến các ca bệnh”.

TỐ QUYÊN (Lược dịch từ CNA)