Nam Phương là cầu thủ bóng đá chăm chỉ ở đây, ngày mới tham gia CLB, mới 17 tuổi, giờ em đã sang tuổi 29. Em đi làm, hôm nay rảnh rỗi lại đến đây đá bóng. Cùng với các bạn, Nam Phương (học sinh khuyết tật Trường tiểu học Vĩnh Ninh) đã trở thành cựu vận động viên ở CLB bóng đá. Do bận mưu sinh nên các em sắp xếp thời gian một tuần hoặc một tháng chỉ một lần đến đây giao lưu bóng đá. Có những bạn mấy tháng thậm chí hàng năm mới đến được.
Chiều nay, Nam Phương gặp lại Cường, Đại, May... những người bạn thân thiết nhau một thời giờ mỗi người đi làm ăn một nơi xa Huế, lại hẹn gặp nhau trên sân bóng đá này. Các em vẫn mặc áo của CLB, số áo ngày trước tham gia đội bóng. Họ ôm lấy nhau hạnh phúc, vui mừng! Rồi lại ào ra sân, say sưa theo trái bóng. Hàng chục năm trôi qua, sân chơi này, mái nhà này luôn là kỷ niệm đẹp, mãi là niềm tin yêu của các em.
Nam Phương nhớ mãi, buổi sáng mùa hè năm 2008, khi câu lạc bộ vừa thành lập, lần đầu tiên cùng các bạn đến CLB. Hôm ấy, 7 giờ mới tập, nhưng mặt trời chưa thức dậy, các bạn đã đến đông ở cổng nhà của em để cùng đưa em đi. Ước mơ được vào sân thỏa thích với quả bóng làm các em say mê, hào hứng. Thầy Võ Quốc Thịnh, người hướng dẫn các em, từng đưa các em đi thi đấu 10 ngày tại Quảng Trị đã rất nhiệt tình dạy dỗ.
Ban đầu, thầy truyền cho các em ngọn lửa ấm áp ở mái nhà chung này. Sau một lúc “nói chuyện” thân thiết, thầy chia thành nhiều nhóm nhỏ. Mỗi nhóm có 3 “cầu thủ”. Vừa dạy, thầy vừa học ngôn ngữ của các em khiếm thính để giúp các em hiểu hơn về kỹ thuật bóng đá. Suốt mấy tiếng đồng hồ đá bóng, sân không hề có tiếng còi. Thầy phải chạy theo từng em vỗ vai, chỉ cho các em chỗ sai. Các em thuộc nhóm down, thầy cầm tay dẫn dắt từng động tác và lặp lại nhiều lần, chưa chắc các em đã nhớ. Với các em này, thầy vất vả khi dạy. Có thủ môn, khi để bóng lọt lưới, cứ đứng khóc mãi, thầy phải dỗ khá lâu mới chơi tiếp. Cuối cùng, các em cũng hiểu bài học, chia đội, hai bên chơi hào hứng và hấp dẫn.
Buổi nào cũng vậy, các "vận động viên” không ai muốn rời sân sớm, nhưng phải nhường sân cho các bạn, các anh chị khác. Niềm vui cứ kéo dài vô tận mỗi khi các em được đi giao lưu, thi đấu trong nước và nước ngoài (Myanmar, Thái Lan, Na uy). Hôm nào dạy các em khuyết tật, thầy Thịnh cũng mệt lử, nhưng nhìn các em vui, nhìn những ánh mắt ấm áp của các em, thầy lại quên hết mệt nhọc. Sân chơi để tập luyện bóng đá, cũng là nơi rèn luyện nhân cách cho các em. Các em sống đoàn kết yêu thương nhau hơn. Lớp có một bạn ăn trộm đồ của người khác, nhiều bạn trong lớp đến nhà khuyên bảo và cùng bạn đó đem đồ trả lại cho người mất. Sau này được thầy và các bạn góp ý, em đã không còn ăn cắp vặt nữa. Tập luyện bóng đá, các em sống có kỷ luật và tinh thần tập thể cao. Được vận động nhiều, các em vui và nhanh nhẹn hẳn lên.
Các em vui một thì phụ huynh vui mười! Nhiều vị phụ huynh nữ đã mở mạng tìm hiểu về bóng đá để cùng bình luận, cùng hiểu con hơn khi cùng ngồi xem bóng đá. Khi con mình được tuyển chọn đi ra nước ngoài thi đấu, phụ huynh em Hùng vui cả mấy ngày. Ông bảo: “Cả cuộc đời mình không dám ước mơ xuất ngoại, trong lúc con mình khiếm khuyết như vậy được tài trợ kinh phí ra nước ngoài thật là vui".
Sau này, Tổ chức bóng đá cộng đồng Việt Nam tại Huế đã tiếp sức thêm cho CLB. Hàng năm, các vận động viên bóng đá khuyết tật của Thừa Thiên Huế được quây quần bên nhau để thi đấu với tinh thần "Đếm nụ cười, không đếm bàn thắng". Đó là những ngày hội lớn của các em, giờ không còn dự án bóng đá cộng đồng, nhưng mãi với các em là những ký ức đẹp!
Chiều nay, đến thăm CLB, tôi gặp một số em học sinh khuyết tật từ thế hệ đầu tiên cho đến bây giờ cùng nhau chơi bóng trên sân, vẫn thấy thầy Võ Hùng Thịnh hướng dẫn. Lòng thấy se se nhớ lại ngày đầu cùng tham gia động viên các em đá bóng. Giờ có em đã lập gia đình, em thì bươn chải mưu sinh nơi xa, có em đã về với cát bụi. Câu lạc bộ bóng đá Trung tâm Văn thể mỹ vẫn mãi là ký ức đẹp trong mỗi thành viên.
Đinh Hoàng Xuân Hồng