Liên minh châu Âu đặt mục tiêu cắt giảm lượng phát thải khí CO2 xuống 55% vào năm 2030.    Ảnh minh họa: TTXVN

Trong tháng tới, Ủy ban châu Âu (EC) sẽ đề xuất một mục tiêu khí hậu mạnh mẽ hơn của EU cho năm 2030, nhằm hướng khối này tới mục tiêu hàng đầu là đưa lượng phát thải khí nhà kính về mức 0 vào năm 2050, giảm từ mức gần 4 tỷ tấn khí carbon dioxide (CO2) tương đương mà khối này hiện đang thải ra hàng năm. Ủy ban sẽ đề xuất mức giảm phát thải khí nhà kính 50% hoặc 55% cho năm 2030, tăng so với mục tiêu 40% hiện có. Điều này sẽ tạo cơ sở cho các cải cách theo kế hoạch của EU về thuế, chính sách năng lượng và thị trường carbon trong năm tới.

Giám đốc Điều hành Tổ chức Nghiên cứu Agora Energiewende có trụ sở tại Đức, ông Patrick Graichen nói với Hãng Thông tấn Reuters rằng: “Việc đạt được mục tiêu 55% là hoàn toàn có thể. Và nếu điều đó khả thi, tại sao chúng ta không tiến tới?”

Trong phân tích được công bố ngày 24/8, Agora Energiewende và Trung tâm Nghiên cứu Đức Oeko Institut đã chỉ ra cách mà EU có thể cải tiến các chính sách khí hậu của mình nhằm đạt được mục tiêu khí hậu nói trên. Theo đó, thị trường carbon của EU, bao gồm khí thải từ các nhà máy điện, công nghiệp và những chuyến bay của châu Âu có tiềm năng lớn nhất để cắt giảm lượng khí thải nhanh chóng.

Nhằm đạt được mục tiêu 55%, các nhà nghiên cứu cho hay, lượng khí thải được kiểm soát bởi Hệ thống Mua bán Khí thải (ETS) sẽ giảm xuống 61% so với mức của năm 2005, mức cắt giảm sâu hơn nhiều so với mức giảm 43% mà thị trường carbon được lên kế hoạch để đạt được vào năm 2030.

Điều đó sẽ đòi hỏi những cải cách đối với thị trường carbon, bao gồm giảm giới hạn phát thải lên tới 5,4% hàng năm kể từ năm 2025, so với tỷ lệ giảm 2,2% được lên kế hoạch như hiện nay.

Được biết, các quốc gia Tây Âu và Bắc Âu ủng hộ mức độ tham vọng hơn về giảm lượng phát thải khí nhà kính, trong khi các quốc gia Đông Âu từ chối xem xét mức cắt giảm lớn hơn. Các nhà nghiên cứu khẳng định, “không có con đường đáng tin cậy nào” hướng tới mục tiêu 55% cho năm 2030 mà không có sự đóng góp lớn hơn từ các quốc gia, như Ba Lan và Cộng hòa Séc, những quốc gia cho rằng ảnh hưởng kinh tế từ đại dịch COVID-19 sẽ khiến các mục tiêu khí hậu trở nên thách thức hơn.

Cũng theo các nhà nghiên cứu, để hỗ trợ các quốc gia có thu nhập thấp, EU cần dành kinh phí trong nguồn ngân sách tiếp theo cho việc xây dựng cải tạo địa phương và cơ sở hạ tầng sạc xe chạy bằng điện. Một lựa chọn khác là một hệ thống đấu giá giấy phép phát thải trên toàn EU đối với những lĩnh vực không thuộc thị trường carbon, trong đó số tiền thu được sẽ được chuyển đến những quốc gia nghèo hơn.

LÊ THẢO  

(Lược dịch từ Business Times & Reuters)