Được tiếp sức từ nguồn vốn khuyến công, các cơ sở chế biến thủy hải sản Tân Thành, xã Quảng Công chuyển dần từ sản xuất thủ công sang máy móc hiện đại

Làng nghề chế biến thủy hải sản Tân Thành, xã Quảng Công (Quảng Điền) có gần 70 hộ sản xuất quy mô hộ gia đình và các công đoạn sản xuất chủ yếu là thủ công, chất lượng chưa đồng đều. Nhiều cơ sở sản xuất không đăng ký nhãn hiệu, xây dựng thương hiệu nên sản phẩm chỉ quanh quẩn trong làng, khó mở rộng quy mô trong khi nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất khá dồi dào.

Theo cơ sở thủy hải sản Huỳnh Thị Hoa, với nguồn nguyên liệu thủy hải sản dồi dào thu mua từ các hộ đánh bắt trong xã, mỗi tháng cơ sở chế biến 3 tấn ruốc, 100 lít nước mắm và các loại mắm dưa, mắm cá rò, song do không đăng ký nhãn hiệu và không đầu tư quảng bá tiếp thị sản phẩm nên đầu ra bấp bênh. Mặt khác, do quy mô nhỏ nên lâu nay cơ sở chưa thụ hưởng các nguồn vốn của Nhà nước để đầu tư máy móc thiết bị nên rất khó phát triển nghề truyền thống.

Để phát triển làng nghề, tháng 11/2019, 7 hộ gia đình quyết định thành lập HTX chế biến và tiêu thụ mắm, nước mắm Tân Thành, đồng thời góp vốn đầu tư 700 triệu đồng xây dựng nhà xưởng, chuyển trang thiết bị từ các gia đình ra nhà xưởng sản xuất tập trung. Sau khi thành lập HTX và đăng ký nhãn hiệu tập thể, sản phẩm làm ra tiêu thụ mạnh, trong khi đa số các quy trình sản xuất đều làm thủ công nên sản phẩm làm ra không đủ để cung ứng ra thị trường.

Đầu năm 2020, HTX lập đề án KC xin hỗ trợ kinh phí đầu tư các thiết bị hiện đại phục vụ sản xuất, góp phần tiết giảm nhân công, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Đến tháng 6/2020, đề án được Sở Công thương phê duyệt với mức hỗ trợ 55 triệu đồng, HTX đầu tư thêm 70 triệu đồng trang bị 3 thiết bị tiên tiến phục vụ sản xuất, là máy đóng nắp chai, máy xay ruốc và máy ép ruốc.

Giám đốc HTX, bà Hồ Thị Giang chia sẻ, sau khi thành lập HTX, UBND xã Quảng Công đã cấp 1ha đất để xây dựng nhà kho, nhà xưởng và vận chuyển các vật dụng ra sản xuất tập trung nên thiếu kinh phí đầu tư máy móc. Sự hỗ trợ của nguồn vốn KC góp phần giúp HTX đầu tư, cơ giới hóa sản xuất, thay thế dần các công đoạn thủ công, góp phần nâng cao năng suất, tiết giảm nhân công.

Bà Giang cho biết, trước đây làm thủ công mỗi giờ chỉ ép được khoảng 60kg ruốc, nay sử dụng máy nâng công suất ép lên gấp 8 - 10 lần, mỗi giờ ép khoảng 6 tạ ruốc. Các công đoạn như xay, đóng chai cũng tăng gấp 3 lần sau khi sử dụng máy nên doanh thu cũng tăng nhiều, trong khi tiết giảm được nhiều nhân công.

Theo Giám đốc Sở Công thương Nguyễn Thanh, việc hỗ trợ đầu tư máy móc, thiết bị tiên tiến vào sản xuất đã kịp thời khuyến khích các cơ sở công nghiệp nông thôn, ngành nghề thủ công mỹ nghệ đầu tư đổi mới thiết bị công nghệ để nâng cao năng lực sản xuất, sản xuất sản phẩm mới và nâng cao chất lượng sản phẩm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường, tăng doanh thu cho cơ sở sản xuất.

Không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội, nguồn vốn KC đã tạo động lực để các cơ sở sản xuất mạnh dạn đầu tư, một đồng vốn KC thu hút 1,5 đồng vốn đầu tư của doanh nghiệp, qua đó tăng doanh thu, hiệu quả sản xuất kinh doanh cho cơ sở, tạo thu nhập ổn định cho lao động nông thôn, góp phần vào việc phát triển các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp ở địa bàn khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh.

Bài, ảnh: Thanh Hương