ClockThứ Bảy, 29/08/2020 09:37

Cơ giới hóa làng nghề

TTH - Cùng với việc hỗ trợ đào tạo nghề, cải tiến mẫu mã sản phẩm, đầu tư máy móc hiện đại cho các cơ sở sản xuất luôn được Sở Công thương chú trọng trong quá trình phân bổ nguồn vốn khuyến công (KC) nhằm tăng năng suất và nâng cao chất lượng sản phẩm.

Cơ giới hóa để tăng giá trị sản phẩm làng nghề

Được tiếp sức từ nguồn vốn khuyến công, các cơ sở chế biến thủy hải sản Tân Thành, xã Quảng Công chuyển dần từ sản xuất thủ công sang máy móc hiện đại

Làng nghề chế biến thủy hải sản Tân Thành, xã Quảng Công (Quảng Điền) có gần 70 hộ sản xuất quy mô hộ gia đình và các công đoạn sản xuất chủ yếu là thủ công, chất lượng chưa đồng đều. Nhiều cơ sở sản xuất không đăng ký nhãn hiệu, xây dựng thương hiệu nên sản phẩm chỉ quanh quẩn trong làng, khó mở rộng quy mô trong khi nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất khá dồi dào.

Theo cơ sở thủy hải sản Huỳnh Thị Hoa, với nguồn nguyên liệu thủy hải sản dồi dào thu mua từ các hộ đánh bắt trong xã, mỗi tháng cơ sở chế biến 3 tấn ruốc, 100 lít nước mắm và các loại mắm dưa, mắm cá rò, song do không đăng ký nhãn hiệu và không đầu tư quảng bá tiếp thị sản phẩm nên đầu ra bấp bênh. Mặt khác, do quy mô nhỏ nên lâu nay cơ sở chưa thụ hưởng các nguồn vốn của Nhà nước để đầu tư máy móc thiết bị nên rất khó phát triển nghề truyền thống.

Để phát triển làng nghề, tháng 11/2019, 7 hộ gia đình quyết định thành lập HTX chế biến và tiêu thụ mắm, nước mắm Tân Thành, đồng thời góp vốn đầu tư 700 triệu đồng xây dựng nhà xưởng, chuyển trang thiết bị từ các gia đình ra nhà xưởng sản xuất tập trung. Sau khi thành lập HTX và đăng ký nhãn hiệu tập thể, sản phẩm làm ra tiêu thụ mạnh, trong khi đa số các quy trình sản xuất đều làm thủ công nên sản phẩm làm ra không đủ để cung ứng ra thị trường.

Đầu năm 2020, HTX lập đề án KC xin hỗ trợ kinh phí đầu tư các thiết bị hiện đại phục vụ sản xuất, góp phần tiết giảm nhân công, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Đến tháng 6/2020, đề án được Sở Công thương phê duyệt với mức hỗ trợ 55 triệu đồng, HTX đầu tư thêm 70 triệu đồng trang bị 3 thiết bị tiên tiến phục vụ sản xuất, là máy đóng nắp chai, máy xay ruốc và máy ép ruốc.

Giám đốc HTX, bà Hồ Thị Giang chia sẻ, sau khi thành lập HTX, UBND xã Quảng Công đã cấp 1ha đất để xây dựng nhà kho, nhà xưởng và vận chuyển các vật dụng ra sản xuất tập trung nên thiếu kinh phí đầu tư máy móc. Sự hỗ trợ của nguồn vốn KC góp phần giúp HTX đầu tư, cơ giới hóa sản xuất, thay thế dần các công đoạn thủ công, góp phần nâng cao năng suất, tiết giảm nhân công.

Bà Giang cho biết, trước đây làm thủ công mỗi giờ chỉ ép được khoảng 60kg ruốc, nay sử dụng máy nâng công suất ép lên gấp 8 - 10 lần, mỗi giờ ép khoảng 6 tạ ruốc. Các công đoạn như xay, đóng chai cũng tăng gấp 3 lần sau khi sử dụng máy nên doanh thu cũng tăng nhiều, trong khi tiết giảm được nhiều nhân công.

Theo Giám đốc Sở Công thương Nguyễn Thanh, việc hỗ trợ đầu tư máy móc, thiết bị tiên tiến vào sản xuất đã kịp thời khuyến khích các cơ sở công nghiệp nông thôn, ngành nghề thủ công mỹ nghệ đầu tư đổi mới thiết bị công nghệ để nâng cao năng lực sản xuất, sản xuất sản phẩm mới và nâng cao chất lượng sản phẩm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường, tăng doanh thu cho cơ sở sản xuất.

Không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội, nguồn vốn KC đã tạo động lực để các cơ sở sản xuất mạnh dạn đầu tư, một đồng vốn KC thu hút 1,5 đồng vốn đầu tư của doanh nghiệp, qua đó tăng doanh thu, hiệu quả sản xuất kinh doanh cho cơ sở, tạo thu nhập ổn định cho lao động nông thôn, góp phần vào việc phát triển các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp ở địa bàn khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh.

Bài, ảnh: Thanh Hương

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phát triển du lịch làng nghề tại Thừa Thiên Huế

Thừa Thiên Huế còn gìn giữ và lưu truyền nhiều nghề, làng nghề truyền thống đặc sắc, có nhiều tài nguyên du lịch văn hoá và tài nguyên du lịch thiên nhiên có thể kết hợp với du lịch nghề, làng nghề truyền thống. Đó là cơ sở để mảnh đất Cố đô phát triển loại hình du lịch bổ trợ cho thế mạnh du lịch văn hóa - di sản.

Phát triển du lịch làng nghề tại Thừa Thiên Huế
"Chắp cánh" cho sản phẩm nông sản, làng nghề vươn xa

Sau 2 ngày diễn ra Hội chợ giới thiệu, quảng bá các sản phẩm nông sản, làng nghề do Hội Nông dân, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) thị xã Hương Trà phối hợp tổ chức tại công viên trung tâm thị xã, các sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP, OCOP của địa phương có thêm cơ hội để vươn xa...

Chắp cánh cho sản phẩm nông sản, làng nghề vươn xa
Nghề làm mõ trên đồi Thủy Xuân

Vùng đồi Thủy Xuân, TP. Huế nổi tiếng với những ngôi chùa cổ như Từ Hiếu, Đông Thuyền, Bảo Lâm, Châu Lâm, Diệu Nghiêm... Lạc bước vào chốn mây gió tiêu diêu với nhiều rặng thông vi vu trên những sườn đồi này, vào buổi sớm tinh mơ hay khi hoàng hôn về, nghe trong gió tiếng chuông chùa ngân vang và cả những tiếng mõ đều đều từ những cánh cửa chùa vọng lại. Chợt thấy lòng êm dịu và thanh thản lạ thường.

Nghề làm mõ trên đồi Thủy Xuân
Du lịch làng nghề hấp dẫn du khách

Cùng với các danh lam thắng cảnh và di tích lịch sử trên địa bàn, du lịch làng nghề truyền thống đã và đang được du khách ưa chuộng khi nhiều cơ sở kinh doanh, làng nghề triển khai nhiều cách làm hay vừa giúp tăng thêm thu nhập, ổn định kinh tế gia đình, vừa bảo tồn và phát triển nghề truyền thống.

Du lịch làng nghề hấp dẫn du khách
Nghề truyền thống Huế se duyên cùng áo dài

Những tà áo dài được các nhà thiết kế sáng tạo dựa trên nền tảng các giá trị làng nghề truyền thống xứ Huế được trình diễn giữa sân khấu cộng đồng khiến người xem hào hứng, bất ngờ.

Nghề truyền thống Huế se duyên cùng áo dài

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top