Hàng hóa đang được đóng gói tại một trung tâm dịch vụ của Công ty Thương mại Điện tử Amazon. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Dữ liệu gần đây đã chỉ ra sự chuyển hướng sang hình thức mua sắm trực tuyến. Theo Công ty Tư vấn Kantar, thương mại điện tử quốc tế đã tăng 41% chỉ trong 3 tháng so với mức tăng trưởng 22% cho cả năm 2020 tính đến nay, khi đại dịch "thay đổi" các thói quen bán lẻ.

Vào ngày 18/8, nhà bán lẻ Marks & Spencer của Anh thông báo cắt giảm 7.000 nhân viên. Ngược lại, vài giờ đồng hồ sau đó, gã khổng lồ trực tuyến Amazon cho biết họ đang tuyển dụng 3.500 nhân viên tại Hoa Kỳ.

Quyết định cắt giảm nhân viên ở Marks & Spencer chỉ là một phần của bức tranh ở Vương quốc Anh, khi có thêm 2.500 nhân viên khác được cho thôi việc tại nhà bán lẻ Debenhams. Hàng trăm nhân viên khác cũng bị mất việc tại các chuỗi bán lẻ nổi tiếng khác của Anh. Ngược lại, Tesco, chuỗi siêu thị lớn nhất của Anh cho biết, họ đang tạo ra 16.000 việc làm cố định để đáp ứng sự tăng trưởng mạnh mẽ trong các hoạt động trực tuyến.

Ông Herve Gilg, Giám đốc Điều hành, kiêm chuyên gia phân phối tại Công ty Dịch vụ Chuyên nghiệp Toàn cầu Alvarez & Marsal nhận định: “Rõ ràng là số hóa thương mại đang tăng tốc đáng kể”. Những lợi ích đang được gặt hái bởi những công ty này, nơi đã thực hiện một phần lớn các hoạt động trực tuyến của họ. Với sự dẫn đầu của Amazon, khi tăng gấp đôi lợi nhuận ròng trong nửa sau của năm 2020 đầy thử thách này.

Theo sau đó là Công ty Thương mại Điện tử Zalando của Đức, nơi chứng kiến cơ sở khách hàng hoạt động tăng 20% ​​trong nửa đầu năm 2020 lên mức 34 triệu. Gã khổng lồ Walmart của Hoa Kỳ cũng ghi nhận kết quả trong quý II tăng vọt vượt các ước tính trước đây về mức tăng của doanh số bán hàng điện tử, ở mức 97%.

Sự hiện diện điện tử là "không thể thiếu"

Kantar cho biết tại Pháp, Anh, Tây Ban Nha và Trung Quốc, thị phần thương mại điện tử trung bình đã tăng từ 8,8% giá trị (vào năm 2019) lên 12,4% trong quý II năm 2020. Đáng chú ý, ở Trung Quốc, mua sắm trực tuyến chiếm "1/4 chi tiêu cho các sản phẩm tiêu dùng đại chúng". Xu hướng này vốn đã được hình thành trước khi đại dịch COVID-19 bắt đầu tác động lên nền kinh tế toàn cầu.

Ông Stephane Charveriat, Phó Giám đốc cấp cao của Tập đoàn Tư vấn Boston Consulting Group (BCG) khẳng định, sự phát triển chưa từng có đã "khiến tất cả các tổ chức bán lẻ hiểu rõ hoặc xác nhận rằng, không thể thiếu sự hiện diện trực tuyến". Điều đó đồng nghĩa rằng, sự phát triển này "đòi hỏi các phương tiện và khoản đầu tư đáng kể".

Trong một động thái liên quan, Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire vừa tuyên bố "vài trăm triệu euro" sẽ được cung cấp dưới dạng trợ cấp và hỗ trợ của ngân hàng đầu tư công "nhằm hỗ trợ các công ty số hóa".

Thanh Ngân (Lược dịch từ The ASEAN Post)