Gạo được bán trong một siêu thị tại thủ đô Bangkok, Thái Lan. Ảnh minh họa: TTXVN

Trong đó, ông Qu Dongyu, Tổng Giám đốc FAO cho biết, dữ liệu lớn, nền kinh tế kỹ thuật số và công nghệ di động sẽ hỗ trợ các nhà sản xuất đạt được sự chuyển đổi. Chẳng hạn như, một chiếc điện thoại thông minh trong tay một nông dân sản xuất nhỏ sẽ trở thành một “công cụ canh tác mới”.

“Việc tận dụng dữ liệu, sáng tạo đổi mới và công nghệ đã cho thấy, ở châu Á - Thái Bình Dương, chúng ta có các nhà khoa học, tinh thần kinh doanh, những bộ óc xuất sắc, sẽ dẫn dắt chúng ta vượt qua những thách thức mà đại dịch COVID-19 tạo ra, giúp chúng ta vượt qua tình trạng suy dinh dưỡng và nghèo đói”, ông Qu Dongyu nói thêm.

Ngoài ra, sáng tạo đổi mới nông nghiệp cũng có thể giảm bớt sự vất vả, và các chuỗi thực phẩm trong khu vực có thể hưởng lợi từ những đổi mới như máy bay không người lái, hình ảnh vệ tinh, dữ liệu lớn và chuỗi khối.

Theo FAO, khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nơi đông dân nhất hành tinh, cũng là nơi sinh sống của hơn 1/2 số người bị suy dinh dưỡng trên thế giới, và con số này được lo ngại sẽ tăng lên do tác động của COVID-19. Chỉ tính riêng ở Nam Á, con số này có thể tăng 1/3, lên khoảng 330 triệu người trong thập kỷ tới.

Bên cạnh đó, ông Yeshey Penjor, Chủ tịch Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Lâm nghiệp Bhutan tái khẳng định sự cần thiết phải tăng cường hợp tác để đối phó với những thách thức này; đồng thời lưu ý: “Chúng ta cần chuẩn bị cho những rủi ro cao hơn ở phía trước, đảm bảo có sự bền vững trong chuỗi cung ứng thực phẩm”.

LÊ THẢO

(Lược dịch từ Devdiscourse)