Vệ sinh và nước sạch là hai vấn đề cần đảm bảo để phát triển thế giới bền vững. Ảnh minh họa: CAND Online
Tuy nhiên, 3 tỷ người - gần 1/3 tổng dân số thế giới hiện vẫn không được tiếp cận với các sản phẩm, thiết bị rửa tay cơ bản; 2,2 tỷ người không được tiếp cận với nước uống sạch và gần gấp đôi con số này (tương đương 4,2 tỷ người) không được sử dụng dịch vụ vệ sinh an toàn dưới bất kỳ hình thức nào.
Tình hình thậm chí còn nghiêm trọng và tồi tệ hơn ở các đảo Thái Bình Dương, nơi tỷ lệ dân số không được tiếp cận với nước sạch an toàn cao gấp đôi so với tỷ lệ trung bình toàn cầu. Tại đây, các chỉ số vệ sinh thấp hơn ở khu vực châu Phi cận Sahara....
Mặc dù vấn đề đã xuất hiện và tồn tại từ lâu, nhưng hai vấn đề là nước và vệ sinh vẫn tiếp tục không được chú ý trong các chương trình nghị sự trên toàn cầu.
Trên thực tế, thách thức ở đây là về tài chính. Từ lâu, các chính phủ đã coi nước và vệ sinh là nguồn tiêu hao ngân sách quốc gia, thay vì coi đây là cơ hội đầu tư. Do đó, họ có xu hướng dựa vào thuế quan và tiền chuyển nhượng để trợ cấp cho lĩnh vực này. Và mặc dù mọi người thường sẵn sàng trả tiền để có quyền sử dụng hay cải tiến các dịch vụ này, song những gánh nặng về trang trải chi phí vận hành và bảo trì cơ bản những tiện ích này vẫn đang là vấn đề lớn.
Trong một thông tin có liên quan, tổn thất hằng năm liên quan đến các dịch vụ vệ sinh và nước không đầy đủ hiện đang ở mức 260 tỷ USD, chiếm 1,5% GDP toàn cầu/năm. Trong khi đó, mỗi USD đầu tư vào các dịch vụ nước và vệ sinh chất lượng lại mang lại lợi nhuận cao gấp 4 lần về sức khỏe, kinh tế và giáo dục - tất cả đều có thể phục vụ, làm tăng hiệu quả của các chương trình nghị sự về kinh tế và xã hội rộng lớn hơn của chính phủ.
Có thể nói, sự thay đổi về tư duy của chính phủ các nước chính là yếu tố quyết định để giải quyết những thách thức đang hiện hữu. Nếu không có sự điều chỉnh, những thách thức mà lĩnh vực quan trọng này phải đối mặt sẽ leo thang khi biến đổi khí hậu ngày càng trở nên trầm trọng, tình trạng khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu và các rủi ro về hệ thống khác cũng tiếp tục tăng. Đại dịch COVID-19 đã làm sâu sắc thêm hoàn cảnh của các nhà cung cấp dịch vụ đang gặp khó khăn về tài chính trên khắp thế giới, nhưng cuộc khủng hoảng cũng là một cơ hội hiếm có để làm nên những điều khác biệt.
Đan Lê (Lược dịch từ The ASEAN Post)