Thật ra, tuy ở vùng đồi núi nhưng “phèn” cũng không phải là điều chi đó quá lạ. Khu vực đông nam xã Phú Sơn có nhiều khe suối và do có nước nhiều phèn lại ở một vùng đồi núi nên dân gian gọi theo kiểu dễ hiểu và nôm na là “Sơn Phèn”, có nghĩa là vùng đồi núi có nhiều phèn. Nhiều người từng đến, sinh sống và khai phá Phú Sơn cách nay mấy chục năm kể lại, rằng phèn ở đây nhiều đến nỗi trước kia chỉ cần nhúng chân xuống khe suối hay ruộng nước hoang hóa thì y như cái chân vàng khè, kỳ cọ mãi cũng khó rửa sạch. Cho đến thời điểm này, người dân Phú Sơn cũng còn khổ vì phèn. Hàng loạt giếng nước đào lên đỏ quạch, uống vào dễ bị đau bụng và tắm rửa thì ngứa ngáy, vậy nên Phú Sơn đang là một trong số ít địa phương ở Thừa Thiên Huế đang sống trong cảnh dở khóc dở mếu, thiếu nước sạch gần như quanh năm.

Có điều, có thể nhiều người còn chưa tỏ. Sách “Đại Nam nhất thống chí” của Quốc sử quán triều Nguyễn ghi lại: “Đầu năm Gia Long, nguồn này (nguồn Tả Trạch) đặt ba đội, 27 người để tuần phòng sơn man (tức là người dân tộc thiểu số ở phía tây Thừa Thiên ngày trước). Vào thời Minh Mạng, những chỗ đất trống ở nguồn Tả Trạch và Hữu Trạch, đều đặt đồn điền. Nơi ấy ao chằm ruộng, thú rừng đến ở cả bầy. Năm Thiệu Trị, vua có thơ vịnh 20 cảnh ở Thần kinh, thì đây là cảnh Trạch Nguyên Tiêu Lộc (Nai kêu nguồn Trạch), có khắc bia dựng ở nhà bia chỗ ấy”. Nằm cách bờ Tả Trạch không xa, vùng đồi núi Phú Sơn xưa chắc hẳn cũng không nằm ngoài chính sách phát triển đồn điền và đề phòng sự quấy nhiễu của quân man kia. Chính sự phát triển đồn điền theo chủ trương của triều Nguyễn đã giúp mở rộng diện tích đất canh tác ở vùng gò đồi, góp phần thực hiện chính sách di dân từ đồng bằng lên vùng đồi núi. Qua nhiều năm, triều Nguyễn đã dành sự chú ý đối với vùng đất này với ý nghĩa vùng đệm, vùng căn cứ cho hoạt động phòng bị và an ninh cho vùng đồng bằng phía ngoài và cả kinh đô Huế. Ba đội có 27 người tuần phòng sơn man ở nguồn Tả Trạch cho thấy tính chất sơn phòng của vùng đất hai bên Tả Trạch. Tên gọi “Sơn Phèn” mang thêm ý nghĩa đó. Sơn Phèn là cách gọi trại đi của “sơn phòng”

Vùng đất từng có tên Sơn Phèn hiện vẫn còn nền móng và dấu tích nhà cửa của thời chính sách sơn phòng và đồn điền đó. Đứng đầu là của những người thuộc dòng Tôn Thất. Chuyện kể, đầu thế kỷ 19, ông nội của Tổng đốc Quảng Nam (giai đoạn đầu triều Tự Đức) Tôn Thất Bật là Tôn Thất Nai (cháu 8 đời của Nguyễn Phúc Khê) đã dẫn gia quyến và tùy thuộc vào vùng đất sau này gọi là Sơn Phèn để khai hoang đất đai, xây dựng đồn điền theo chính sách của triều đình nhà Nguyễn. Vùng đất được khai hoang chiếm gần hết phía nam của xã Phú Sơn nay. Trong khoảng 140 năm, ông Tôn Thất Nai và con cháu của mình đã duy trì canh tác, chăn nuôi ở Sơn Phèn như một sơn trang. Khi thực dân Pháp xâm lược, Sơn Phèn trở thành nơi cưu mang những người bị truy đuổi. Nhiều người đóng giả thành người làm thuê của điền trang họ Tôn Thất này. Những người đó được người làng Phù Bài bên dưới gọi là “dân trốn Tây”. Bao bọc Sơn Phèn là những núi cao và rừng rậm, vì thế nhiều người xem Sơn Phèn như một nơi “ra dễ vào khó” và chọn để lánh nạn cho đến khi triều Nguyễn cáo chung.

Ngẫm nghĩ mới hay, câu chuyện về địa danh Phèn, hay Độn Phèn, hay Sơn Phèn là một khám phá về vùng đất núi đồi phía nam kinh đô Huế. Đằng sau tên gọi tưởng đơn giản kia là một câu chuyện mang tính lịch sử thú vị và đầy bất ngờ. Nó như thêm một bằng chứng cho thấy sự hấp dẫn đặc biệt của vùng đất Thừa Thiên Huế tự hào đậm đặc những dấu ấn lịch sử còn lại của một thời đã qua.

Đan Duy