1 triệu loài đang bị đe dọa tuyệt chủng do hành động của con người. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Theo đánh giá của Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên Nhiên (WWF), tác động của con người đối với thế giới tự nhiên trong vòng 5 thập kỷ qua không kém gì với một trận đại hồng thủy. Cụ thể là từ năm 1970, gần 70% loài động vật hoang dã, chim và cá đã biến mất. Trước đó, năm 2019, nhóm chuyên gia Liên Hiệp Quốc về nền tảng chính sách và khoa học liên chính phủ về đa dạng sinh học và các dịch vụ hệ sinh thái (IPBES) đã cảnh báo rằng 1 triệu loài đang phải đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng do hoạt động của con người đã làm suy thoái nghiêm trọng 3/4 tổng số diện tích đất trên Trái đất.

Tuy vào năm 2010, 190 nước thành viên Công ước về Đa dạng sinh học đã cam kết thực hiện kế hoạch hạn chế gây thiệt hại cho thế giới tự nhiên vào năm 2020, từ loại bỏ dần trợ cấp nhiên liệu hóa thạch, hạn chế đánh mất môi trường sống đến bảo vệ nguồn cá tự nhiên, nhưng trong Báo cáo Triển vọng Đa dạng sinh học toàn cầu mới nhất được công bố vào đầu tuần này, LHQ cho biết không một mục tiêu nào đã được hoàn thành. Ngoài ra, đại dịch COVID-19 đã gây xáo trộn và đẩy lùi toàn bộ kế hoạch hội họp hướng đến thúc đẩy các nỗ lực bảo tồn thiên nhiên quốc tế đến năm 2021.

Để giải quyết tình trạng này, đánh giá của các tổ chức quốc tế đã đưa ra các con đường để đảo ngược tình trạng suy giảm tự nhiên trong giai đoạn từ thập kỷ này đến năm 2030, bao gồm những thay đổi sâu rộng đối với hệ thống canh tác, giảm lãng phí thực phẩm và tiêu thụ quá mức... Những hành động khẩn cấp phải được triển khai, nhất là khi Giáo sư Andy Purvis thuộc Bảo tàng lịch sử tự nhiên ở London cho biết rằng đây là một cú sốc khi phải thừa nhận thế giới đã bỏ lỡ tất cả 20 mục tiêu bảo vệ thiên nhiên của mình.

Hạnh Nhi

 (Lược dịch từ Bangkok Post)