Và đó. Như hối tôi vãng về tháng ngày xa cũ. Mỗi lần vậy, tôi lại thường trở ra, nhoài tay, mở toang cửa sổ để hơi đêm và cái riêng đêm Hà Nội len vào. Thú thực, bây giờ tôi dầu cố nhớ cũng hiếm bắt gặp những điều hiển hiện như suốt cái thời xưa xa, trước ấy. Cái thời, có tiếng tàu điện leng keng, ai cũng nhắc rồi. Có hoa sữa nồng nàn đắm say đêm và một ngày mới đến, vẫn còn toả hương ra hong nữa, ở bao con phố vắng. Cũng đã nhiều người nói và kể rồi.

… Ngày tôi còn ở nhà cũ ấy. Gần con đường Nguyễn Du ngằn ngặt hàng cây sữa rệ hồ Thiền Quang lặng thầm trắc ẩn, như một chiếc gương soi. Tiếng rao phở gõ khuya của ông lão bán quà bằng xe cút kít ở cổng khu tôi - Khu tập thể Trần Nhân Tông ấy. Cứ lọng cọng, võng vãnh không thôi trong tâm tưởng bây giờ. Rồi cả lời mời trầm khầng khậc của ông già bán lạc rang với chén rượu quê ngọt lịm, vào tầm chín giờ tối. Khi một khắc là sẽ nghe được tiếng tàu khách, huýt còi ở đoạn quành mé đường Nam bộ. Cái thùng đựng lạc rang nóng hôi hổi của ông lão, cõng sau lưng, vá mòn hõm vai hằn khắc như cái ách trâu cày. Chắc gắn chung thân với cuộc đời ông. Đêm khuya rét mướt, mua vài hào lạc rang nóng rẫy tay, nhấm với chén rượu quê ông già đưa thì thôi rồi.

Chỗ gần nhà tôi ngày trước, có quán phở của bà Méo bán đêm. Cái hiệu một tên thường thấy những quán phở nhớ xắt xeo Hà Nội đêm - ngày. Quán, trổ ngoạch đúng đoạn cắt giữa đường Nguyễn Thượng Hiền và phố Nam bộ ấy - sau này đổi tên thành phố Lê Duẩn, cỡ dăm bước chân, là thấy. Mỗi khi viết khuya, đói, tôi thường ra đây ăn. Xì xụp bát phở rẻ đục ngầu sụn thịt, nuốt miếng nào biết miếng nấy. Bà Méo này, lạ. Ăn phở của bà đến mòn đũa mà tôi chưa bao giờ thấy bà nói câu nào. Chỉ gật, lắc đầu với khách. Ở quán phở đêm, có dạo tôi gặp ca sĩ BK…, đận cậu ấy mới ra nghề, chưa sang hát cho Hải ngoại cơ. Chắc cũng như tôi, cày cuốc khuya, đói bụng, thèm bát phở nóng. Quán quen. Chúng tôi thường gật đầu chào nhau, rồi lại gục vào miệng bát phở to tướng sóng sánh nước lèo.

Bên ngoài, mưa cứ sùi sụt vì cơn bão số ba đang kéo về.

Tôi chợt nghe thấy tiếng rao quen.

“Ai bánh nếp, bánh tẻ không”.

Giật mình, ớ người ra. Tiếng rao bán hàng của người đàn bà tận mười tám, mười chín năm về trước. Ngày tôi còn ở nhà cũ. Cái nhà hin hin trong khu tập thể. Mùa hè ong ong còn mùa đông như nằm trong một cái chai. Nhớ lắm. Khi ấy, cứ thường nhật. Chị đến vào buổi tối, hỏi tôi có mua bánh nếp, bánh tẻ. Rồi hằng năm, vào ngày 28 tháng Chạp, chị lại qua cửa nhà tôi, nói một câu: “Ngày mai em về quê”. Về ăn tết. Rồi sáu tháng sau, khi mùa nông nhàn, chị mới lại ra phố bán bánh, bán quà. Tôi và con gái có thèm mấy cũng phải chờ. Bao năm rồi tiếng rao hàng hèn kém nhưng bền bỉ của chị cứ ám ảnh tôi như một thứ nợ. Tôi tiếc, vì không nhớ được khuôn mặt chị, nhưng lại nhớ như in những ngón tay gầy guộc khi chị thoăn thoắt bóc tấm bánh trắng dầy dầy đưa cho con gái tôi ăn.

Tôi mở vội cánh cửa sổ.

Nhoai người ngó theo tiếng rao mà không kịp. Không có lẽ, người đàn bà vẫn bán bánh và... theo tôi đến tận đây!

Lúc chuyển nhà đi, đợt đó chưa ở mùa nông nhàn, tôi không chào được chị.

Tiếng rao ngày ấy cứ vọng trong tâm tưởng cùng với bao tiếng rao đêm mỗi mùa đông qua, một thưa dần, líu ríu tôi những bận đi đâu xa Hà Nội. Ông lão bán lạc rang. Ông lão bán phở gõ. Chị bán bánh khuya… Liệu, họ có nhớ tôi như tôi nhớ tiếng rao của họ. Tiếng rao xưa cũ và bao nhiêu điều khác nữa, rồi còn rồi mất, có lẽ mãi về sau này sẽ chỉ là tiếng vọng trong lòng mỗi người.

PHAN ĐÌNH MINH