Đường phố Huế dần phong quang trở lại. Ảnh: TUẤN KIỆT

Trời đêm có vẻ như che kín những khiếm khuyết của những gì bão gây ra. Dọc sông Hương nhìn từ bên này qua bên kia vẫn lung linh và đẹp. Qua nhiều khu phố, nhịp sống vẫn sôi động như chẳng hề hấn gì. Thậm chí, có cảm giác như có phần sôi động hơn. Ấy là những gì tôi nhìn thấy và cảm nhận trong đêm nay - 4 ngày sau bão đi qua.

Tôi đã khá trầm tư với một câu hỏi: điều gì đã làm nên sự mạnh mẽ của cuộc sống này? Chẳng phải từ hôm tết đến nay, hai cơn biến động dữ dội chẳng khác gì bão số 5 đã nhấn chìm hàng ngàn tỷ đồng do dịch bệnh. Cuộc sống của người dân đầy xáo trộn. Bão số 5 làm một cú bồi lấy đi ước chừng khoảng 500 tỷ nữa. Thế mà cuộc sống vẫn cứ bừng lên – thật lạ.

Thêm một ngày nữa, nhiều đường phố đã sạch sẽ, khang quang. Buổi sớm mai, người dân vẫn đạp xe, bách bộ. Dòng người vẫn lũ lượt ngược xuôi.

Khó gì thì khó nhưng người dân vẫn nhanh thích ứng. Có lẽ đây là động lực chính để đẩy nhanh cuộc sống trở lại với nhịp sống bình thường. Người làm công chớp được rất nhanh các cơ hội việc làm bày ra. Xây lại tường rào, lợp lại mái nhà, sửa lại chiếc cửa, làm lại khung biển quảng cáo… Những nhu cầu quán xá dần trở lại bình thường đã góp một phần rất lớn đẩy nhu cầu tiêu dùng của thành phố tăng cao. Chính vì vậy mà nó làm nên sự sôi động chăng?

Công nhân môi trường thu gom cây gãy đổ sau bão

Nhưng nguồn tiền từ đâu góp mặt cho tiêu dùng? Một phần là từ sản xuất, kinh doanh hiện tại mà ra. Gì thì gì nhưng đồng tiền vẫn cứ lưu thông để phục vụ những nhu cầu của người dân đã định hình – chi tiêu cho mua sắm vào đầu năm học mới; chi tiêu cho việc khắc phục những thiệt hại sau bão; chi tiêu cho nhu cầu quán xá sau một thời gian dài giãn cách, cách ly; chi tiêu cho ăn, cho mặc, cho vui chơi giải trí với nhiều mức độ hưởng thu, tiêu dùng khác nhau…

Nguồn tiền từ người dân tích lũy được để “phòng thân phòng thổ”. Nói một cách nôm na là dù thu nhập thế nào cũng phải có của dành dụm, "của ăn của để", phòng lúc khó khăn bất trắc. Có lẽ, đó là một đức tính rất đặc trưng của con người Huế. Không biết có phải vì thế mà người ta thường cho rằng dân "Mệ" giàu ngầm là gì?

Tốc độ đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ và những đợt tăng đột biến bất động sản gần đây cũng góp một phần phân bổ lại nguồn tiền, bổ sung vào gói tiêu dùng. Những người nhiều đất ở vùng ven bỗng trở thành tỷ phú là chuyện thường. Nhu cầu xây dựng nhà ở, buôn bán bất động sản cũng làm “mồi” kéo thêm một nguồn tiền từ ngân hàng để bổ sung vào dòng lưu thông tiền tệ; từ đó tạo ra công ăn việc làm, phân bổ lại thu nhập và chi tiêu.

Và có lẽ, một nguồn chi tiêu lớn khác là tăng chi tiêu đầu tư công. Hơn 4.000 tỷ đồng chi tiêu đầu tư công trong năm nay ở Thừa Thiên Huế không phải là con số nhỏ. Chi tiêu đầu tư công tạo ra công trình; thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển; tạo ra công ăn việc làm và kích thích chi tiêu…

Hiện nay đang bước vào mùa mưa bão, dự đoán những khó khăn sẽ còn gặp phải. Tình hình dịch bệnh trong nước đã tạm ổn định, nhưng thế giới vẫn còn phức tạp nên chưa biết sẽ như thế nào; hụt thu ngân sách là chuyện thực tế… Vì vậy, vui thì vui với sự sôi động trở lại của cuộc sống nhưng có lẽ cách tốt nhất là vẫn phải e dè – dè dặt chi tiêu?

Bài: NGUYÊN LÊ - Ảnh: BẢO CHÂU