Hội thảo với sự tham dự của đông đảo các kiến trúc sư và đại diện các sở ngành liên quan.

Kiến trúc vùng Trung bộ ngày nay vận dụng các thành tựu khoa học trong sử dụng công nghệ, vật liệu cho kiến trúc mới để hướng đến hội nhập và phát triển

Theo Viện trưởng Viện Kiến trúc quốc gia Đỗ Thanh Tùng, khu vực Trung bộ có 18 tỉnh và 1 thành phố trực thuộc Trung ương được chia làm 3 tiểu vùng. Kiến trúc Trung bộ có một số nét đặc trưng như tính dân tộc, kiến trúc giản dị, khiêm tốn, nhẹ nhàng và khoáng đạt, kết hợp chặt chẽ với cảnh quang.

Ngoài ra, kiến trúc Trung bộ có bố cục hài hoà, cân xứng, màu sắc đẹp mắt và giàu tính dân gian, sử dụng vật liệu địa phương là chủ yếu. Trước tốc độ đô thị hoá, công nghệ ngày càng hiện đại, nhu cầu phục vụ con người ngày càng cao và đòi hỏi chất lượng ngày càng tốt hơn.

Do đó, kiến trúc vùng Trung bộ ngày nay cần có sự thay đổi cho phù hợp nhưng phải kế thừa được các yếu tố truyền thống sẵn có, vận dụng các thành tựu khoa học trong sử dụng công nghệ, vật liệu cho kiến trúc mới để hướng đến hội nhập và phát triển theo thời đại.

Tại hội thảo, các đại biểu cũng đã nghe báo cáo tham luận của các kiến trúc sư về tổng quan kiến trúc truyền thống (đô thị và nông thôn) vùng Trung bộ Việt Nam; các yếu tố hình thành và tạo nên nét đặc trưng của kiến trúc vùng Trung bộ; sử dụng kỹ thuật, công nghệ, vật liệu cho kiến trúc mới, định hướng phát triển kiến trúc Trung bộ theo hướng hiện đại và có bản sắc; hệ thống văn bản pháp luật hiện hành về quản lý và phát triển kiến trúc truyền thống.

Viện trưởng Viện Kiến trúc Quốc gia cho rằng, hội thảo lần này sẽ giúp nâng cao nhận thức, tạo ra công cụ quản lý và các cơ sở pháp lý, làm nên cái chung, nhận thức chung toàn xã hội về kiến trúc, để tạo ra những quần thể kiến trúc đẹp, nâng cao giá trị của công trình. Hội thảo không chỉ đơn thuần là ở một địa phương, mà đề phát triển kiến trúc cho cả vùng, tạo ra một sự quan tâm mới trong lĩnh vực kiến trúc đối với phát triển đô thị, nông thôn.

Tin, ảnh: Hà Nguyên