Hướng đến đạt được các mục tiêu phát triển bền vững là đem đến cho người dân hạnh phúc toàn vẹn. Ảnh minh họa: Rawpixel/Toquoc.vn

Trong số các khu vực trên thế giới, châu Á là nơi đầu tiên bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Khu vực cũng chứng kiến sự tàn phá kinh hoàng về cả kinh tế và xã hội mà COVID-19 đã gây ra. Những nỗ lực đối phó với đại dịch đã cho thấy, rất nhiều người trong xã hội đang phải sống bấp bênh, khả năng cao chịu cảnh nghèo đói và không được tiếp cận với các dịch vụ cần thiết. Cụ thể, từ 90 – 400 triệu người châu Á – Thái Bình Dương có thể bị đẩy trở lại tình cảnh nghèo đói với mức sống dưới 3,20 USD/ngày.

Khi sự chú ý chuyển từ ảnh hưởng tức thời đến sức khỏe và con người sang giải quyết ảnh hưởng kinh tế - xã hội, chính phủ và xã hội các nước phải đối mặt với những lựa chọn về chính sách, quy định và kế hoạch tài khóa chưa từng có. Các SDG – sự cam kết xóa đói giảm nghèo và phát triển bền vững trên toàn cầu vào năm 2030 có thể đóng vai trò như một ngon hải đăng soi sáng khu vực trong giai đoạn này.

Theo báo cáo chung của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Ủy ban Kinh tế Xã hội châu Á – Thái Bình Dương (ESCAP) và Chương trình phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) với tiêu đề: “Theo dõi nhanh các SDG: Thúc đẩy chuyển đổi châu Á – Thái Bình Dương”, trong đó nêu rõ 6 yếu tố đầu vào để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững đã đặt ra khi đối mặt với đại dịch, bao gồm tăng cường sức khỏe, hạnh phúc và năng lực của con người, chuyển đổi sang các nền kinh tế bền vững và công bằng, xây dựng hệ thống lương thực bền vững, đảm bảo khử Carbon và tiếp cận phổ quát với năng lượng, thúc đẩy phát triển bền vững đô thị và vùng ngoại ô, cũng như đảm bảo môi trường toàn cầu.

Điều chỉnh các hệ thống và thể chế đi liền với các SDG

Đại dịch đã bộc lộ sự mong manh và những lỗ hổng trong nhiều hệ thống chính yếu.

Tuy nhiên, có nhiều chiến lược khả thi mà các nước đã và đang sử dụng trước, trong và sau đại dịch COVID-19 để đẩy nhanh tiến độ triển khai hành động để đạt được các mục tiêu phát triển, cùng lúc tăng khả năng phục hồi. Nói rõ hơn, các nước đã và đang thực hiện nhiều bước để mở rộng hệ thống chăm sóc sức khỏe toàn dân, củng cố hệ thống bảo trợ xã hội. Đảm bảo dữ liệu chính xác và thường xuyên được nhìn nhận chính là chìa khóa cho những nỗ lực này.

Ngoài ra, đổi mới để giúp những người yếu thế tiếp cận với nguồn tài chính và các khoản hỗ trợ tín dụng dành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) cũng rất quan trọng. Quan hệ đối tác, bao gồm với cả khu vực tư nhân và các tổ chức tài chính cũng đóng một vai trò nhất định trong việc thúc đẩy các giải pháp sáng tạo.

Cách mạng về chính sách để quản lý sự phức tạp của đại dịch

Các ứng phó với khủng hoảng COVID-19 bắt buộc phải tập trung vào hạnh phục con người, trao cho họ quyền lợi và thúc đẩy bình đẳng. Ngoài ra, thúc đẩy sự thay đổi trong mối quan hệ giữa con người và môi trường cũng được xem là chìa khóa cho một tương lai không lặp lại những khủng hoảng mà chúng ta đang gặp phải hôm nay.

Do đó, chúng ta cần phải thực hiện cách mạng về tư duy và thực hành. Hệ thống quản trị toàn diện và có trách nhiệm, các thể chế thích ứng với khả năng chống chịu trước những cú sốc trong tương lai, bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế toàn dân, cũng như cơ sở hạ tầng kỹ thuật số mạnh mẽ hơn là một phần của những thay đổi cần thiết. Tất cả đều được thúc đẩy bởi quá trình chuyển đổi năng lượng và cơ sở hạ tầng Carbon thấp, bền vững với môi trường.

Hiện nay, một số quốc gia ở châu Á – Thái Bình Dương đang phát triển các chiến lược mới đầy tham vọng về phục hồi xanh và các phương pháp tiếp cận phát triển toàn diện. Cùng lúc, nhiều nước trong khu vực đang mở rộng hệ thống bảo trợ xã hội như một phần của quá trình phục hồi sau COVID-19. Các tổ chức như Liên Hiệp Quốc và ADB đã và đang huy động hỗ trợ một phản ứng chung. Giờ đây, điều quan trọng là chúng ta phải tạo điều kiện cho các quốc gia đảm bảo sự hỗ trợ mà họ cần để vượt lên thách thức, đạt được các mục tiêu phát triển bền vững.

HẠNH NHI

(Lược dịch từ The ASEAN Post)