Quán cà phê Tùng Hoa Viên ở làng Thanh Thủy Thượng (Thủy Dương, Hương Thủy). Ảnh: ĐAN DUY

Kiểu như mình mấy mươi năm trước cũng năng chạy về làng, nhưng chủ yếu là về với mạ. Bây chừ có khác, đôi khi dừng lại ở quán cà phê sát cạnh bên nhà. Thì ra, cái quán cà phê bình thường không có chi lạ kia, cuối tuần lại bỗng thấy xôn xao. Cũng cái quán cà phê ở làng này, một hôm bất ngờ gặp thằng bạn từ Đồng Xoài ra. Thế là, bất chợt nhớ lại cái lớp học sau ngày giải phóng. Lớp 6 lên lớp 7 vào năm 1977, khai trường vơi lại chỉ còn một nửa. Bạn bè có cả thằng mới gặp lại ở cà phê làng cuối tuần kia theo gia đình đi kinh tế mới ráo trọi. Hơn 40 năm rồi chứ còn mô nữa. Lúc đầu ngồi ở bên này nhìn qua thấy thằng cha mô già già lại quen quen. Hắn cũng dòm mình, rồi cả hai cùng kêu lên. Vậy là mừng mừng tủi tủi, thế là hàn huyên tâm sự.

Nỗi nhớ và thói quen cuối tuần chạy vù về làng uống cà phê cũng có lý do bắt đầu từ đó. Ở ven đô, làng Dã Lê Thượng quê tôi gần đây càng xuất hiện nhiều quán cà phê. Ừ cứ thử tưởng tượng mà xem, chỉ một đoạn đường Nguyễn Văn Chư vài trăm mét mà đã có tới 4 - 5 quán cà phê vào loại có đầu tư. Phố thị đã cận kề nhưng dẫu sao ở làng đất đai vẫn còn rộng rãi. Vậy nên, bên cạnh mấy cái cà phê quán cóc con nhà nghèo ngày càng xuất hiện nhiều quán cà phê rộng rãi đầu tư theo hướng “bán cổ điển” vừa sang trọng, lại vừa giữ lại đôi nét truyền thống, như cái nhà rường hoặc hòn non bộ chẳng hạn. Và, chính cái không gian khoáng đãng, ở vị trí tương đối xa kia lại là một lợi thế góp phần hấp dẫn nhiều khách uống từ xa tới, nhất là đối với không ít người ô tô sắm chủ yếu là để… đi uống cà phê.

Cà phê sữa đậm vị. Ảnh: TL

Xưa ở làng có đình làng, chùa làng, trường làng, chợ làng và kể cả những quán làng đầy thơ mộng, kiểu như “quán gấm đầu làng” trong chuyện “Lưu Bình - Dương Lễ”… Nay có thêm nhà văn hóa, trung tâm sinh hoạt văn hóa cộng đồng, bưu điện văn hóa … là những thiết chế văn hóa làng xã mới kiểu được Nhà nước đầu tư. “Giữa hai đầu nỗi nhớ” kia trong tôi thấp thoáng có bóng dáng của những quán cà phê làng, được mở ra từ lý do mưu sinh và cũng từ cả nhu cầu giao lưu văn hóa và phát triển của cuộc sống. Để rồi, nó trở thành điểm hẹn của bao cuộc gặp gỡ và tao ngộ. Cuối tuần, rạo rực về làng uống cà phê là bởi thế.

THỤC ĐAN