Thiết chế văn hóa cho Huế hàng chục năm qua cũng chỉ có Nhà văn hóa thành phố, chuyển từ rạp chiếu bóng Hưng Đạo trước đây, nay đã lạc hậu, cũ kỹ. Thêm nữa là nhà hát lớn (nay là Trung tâm Văn hóa Thông tin tỉnh), được xây sau 1975, dù đã mấy lần được nâng cấp, sửa chữa nhưng cũng chỉ đủ đáp ứng các cuộc liên hoan ca nhạc quần chúng. Cho nên nói thẳng ra, dù ai đó có khao khát tổ chức những đêm nhạc giao hưởng, thính phòng bề thế đi nữa thì cũng không có khán phòng.

Chưa dám mơ ước gì to tát. Chỉ riêng chuyện âm thanh, ánh sáng cho các nhà hát nghệ thuật chuyên nghiệp đã thiếu ghê gớm. Cả tỉnh chỉ có hai, ba cây đèn chiếu. Riêng đèn quét (sky light), chỉ có Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đố Huế đầu tư được vài, ba cây nên mỗi lần có chương trình nghệ thuật gì đòi hỏi bề thế một tý là phải đi mượn, qua năm, bảy chữ ký…
 
Cũng về thiết chế văn hóa, nỗi ao ức bấy lâu của văn nghệ sĩ là làm sao có nơi trưng bày, triển lãm tác phẩm cho đàng hoàng. Bởi hai địa chỉ trưng bày, triển lãm mỹ thuật lâu nay ở đường Hoàng Hoa Thám và Lê Lợi chỉ bé bằng… bàn tay. Trong khi đó, dự án xây dựng Bảo tàng Mỹ thuật Huế, dù đã được đốc thúc hàng chục năm nay nhưng cũng chưa đâu vào đâu. 
 
Từ những chuyện tưởng như lặt vặt ấy, lại nghĩ đến mục tiêu to hơn. Đó là định hướng xây dựng Huế thành thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam - một trung tâm văn hóa của cả nước. Và một phần giải pháp để mục tiêu lớn ấy sớm thành hiện thực, đó là chiến lược đầu tư như thế nào cho hệ thống thiết chế văn hóa ở Huế?
 
Tiểu Muội